Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Hà Nội tôi yêu” - Cuốn sách mộc mạc về Thủ đô

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 69 năm ngày giải phóng Thủ đô, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) phối hợp cùng họa sĩ Ngọc Linh ra mắt bộ sách hội họa “Hà Nội tôi yêu”.

Điểm đặc biệt của bộ tiểu họa này là họa sĩ Ngọc Linh trực họa bằng chất liệu sơn dầu trên bề mặt những tờ xổ số tiết kiệm in trên giấy lụa sót lại cuối ngày.

Các tác phẩm có 2 kích thước 7 x 10cm và 10 x 14cm (2 tờ ghép lại), họa sĩ Ngọc Linh đóng thành một quyển ký họa nhỏ vừa lòng bàn tay, cùng với chiếc xe đạp mini và bộ đồ vẽ xinh xinh, rong ruổi và vẽ lại những góc nhỏ thân quen của Hà Nội.

Cuốn sách song ngữ Việt-Anh "Hà Nội tôi yêu" của họa sĩ Ngọc Linh.
Cuốn sách song ngữ Việt-Anh "Hà Nội tôi yêu" của họa sĩ Ngọc Linh.

Theo lời họa sĩ, ông vẽ bộ tiểu họa này không phải vì thiếu thốn họa phẩm mà là tự đặt ra một thử thách cho việc thực hành hội họa của mình. Đó là vẽ trực họa bằng chất liệu sơn dầu trên khổ nhỏ mà vẫn bảo đảm được từng chi tiết của chủ thể, lại không mất đi hồn cốt phóng khoáng, tươi trẻ, phong cách đặc trưng của Ngọc Linh.

Họa sĩ Trịnh Lữ cho đây là những tác phẩm tiêu biểu nhất cho bản chất dân gian đương đại của Ngọc Linh. Hà Nội đã có “Phố Phái” - liêu xiêu như những vần thơ u uẩn. Hà Nội giờ lại có “Phố Linh” - tung tăng như những khúc hát đồng dao.

Với họa sĩ Ngọc Linh, những bức tiểu họa này chính là nguồn cảm hứng sâu đậm và là tư liệu độc đáo để ông sáng tác hơn 160 bức tranh phái sinh với nhiều kích cỡ và chất liệu khác nhau cho cuộc triển lãm "Hà Nội tôi yêu" năm 1995.

Đến bây giờ ông mới ra mắt bộ tiểu họa này với mong muốn người xem có thể lưu giữ để thưởng thức ở bất kỳ đâu, cùng với một tình yêu thiết tha dành cho Hà Nội.

Hoạ sĩ Ngọc Linh sinh năm 1930, tên thật là Vi Văn Bích, là cháu nội cụ Vi Văn Định, Tổng đốc Hà Đông (cũ), thuộc thế hệ họa sĩ kháng chiến. Là người dân tộc Tày ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ năm 16 tuổi, Vi Văn Bích đã theo ông cha lên ATK (An toàn khu). Kể từ khi đi theo cách mạng, ông không dùng tên thật Vi Văn Bích mà lấy bí danh là Ngọc Linh. Sau này, ông ký lên các tác phẩm, cũng giữ tên Ngọc Linh.

Họa sĩ Ngọc Linh đến với con đường mỹ thuật một cách tình cờ như duyên phận. Nhân một buổi đi chơi ở Thái Nguyên, gặp họa sĩ Trần Văn Cẩn đang đi vẽ và biết được lớp mỹ thuật kháng chiến có tuyển sinh do họa sĩ Tô Ngọc Vân giảng dạy (1950-1954), Vi Văn Bích bèn quyết tâm theo học. 

Sau khi tốt nghiệp, họa sĩ Ngọc Linh về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam (nay là Hãng phim truyện Việt Nam) từ năm 1954 cho đến khi nghỉ hưu. Trong những năm công tác, họa sĩ Ngọc Linh là thiết kế mỹ thuật cho bộ phim Chung một dòng sông, bộ phim đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam, kế đó là các phim Vợ chồng A phủ, Sao tháng Tám, Kim Đồng.