Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Trên 90% người dân ủng hộ hạn chế lưu thông xe máy cá nhân

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả khảo sát ý kiến người dân trên toàn địa bàn TP đã cho thấy, trên 90% người dân ủng hộ phương án hạn chế lưu thông xe máy cá nhân để giảm UTGT và ô nhiễm môi trường.

Đây là tiền đề rất quan trọng để TP bắt tay vào xây dựng lộ trình quản lý phương tiện giao thông, góp phần phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại.
Lộ trình cụ thể
Ngày 21/6 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có Tờ trình số 72/TTr – UBND gửi HĐND TP Dự thảo Nghị quyết thông qua “Đề án quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Nội dung cơ bản của Đề án là đưa ra 6 biện pháp chủ yếu để quản lý phương tiện giao thông trên địa bàn TP gồm: Quản lý về số lượng; Quản lý về chất lượng; Quản lý về phạm vi hoạt động của các phương tiện; Phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về GTVT.
 Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân.   Ảnh: Phạm Hùng
Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là xây dựng lộ trình, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để rà soát, kiểm định an toàn kỹ thuật và nồng độ khí thải của xe mô tô, xe gắn máy. Trên cơ sở đó, TP sẽ từng bước hạn chế xe máy lưu thông, tiến tới dừng hẳn hoạt động của loại hình phương tiện này tại khu vực nội đô.
Cụ thể, từ nay đến 30/6/2018, Hà Nội sẽ rốt ráo hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường đối với xe máy và tuyên truyền chủ trương, chính sách sâu rộng đến người dân. Đồng thời, TP cũng sẽ tiến hành xây dựng một số cơ sở kiểm định khí thải; tổ chức đào tạo cho kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ chuyên trách. Từ 01/7/2018 - 31/12/2019, sẽ kiểm tra khí thải đối với xe mô tô loại có dung tích xy lanh từ 175cm3 trở lên. Từ sau năm 2020, sẽ có phương án thu hồi, loại bỏ dần những chiếc xe máy cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, khí thải đối với xe máy. Năm 2030 sẽ dừng hẳn hoạt động của xe máy tại khu vực nội thành.
90% người dân được hỏi đã ủng hộ
Song song với việc xây dựng Đề án, UBND TP Hà Nội đã giao Công an TP khảo sát, điều tra xã hội học với 15.337 đối tượng người dân, hộ gia đình trên toàn địa bàn TP. Kết quả, tỷ lệ ủng hộ việc quản lý, hạn chế hoạt động của phương tiện giao thông cá nhân của người dân Thủ đô là 84%; riêng khu vực bên trong Vành đai 3 là trên 85%. Hơn 90% số người được hỏi cũng ủng hộ lộ trình thanh thải xe máy cũ nát và dừng hoạt động xe máy tại khu vực nội thành. Tuy nhiên, người dân cũng yêu cầu TP phải tập trung xây dựng mạng lưới vận tải hành khách công cộng hữu hiệu nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại khi hạn chế các loại phương tiện cá nhân, bao gồm cả xe máy. Ngoài ra, trên 71% người dân được lấy ý kiến cũng đồng tình với việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm UTGT.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược giao thông Lê Đỗ Mười thông tin, việc khảo sát được Hà Nội giao cho Công an TP, cử lực lượng cảnh sát khu vực phát phiếu khảo sát đến tận nhà dân và sau khi điền vào phiếu, người dân nộp lại, khách quan và hoàn toàn không có gợi ý. Tại báo cáo thẩm tra Đề án, các Ban Pháp chế, Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội cũng đã thống nhất với nội dung Tờ trình. Tuy nhiên 2 ban đề nghị với những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành T.Ư, TP cần báo cáo để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan, hoặc quy định đặc thù với Thủ đô để có căn cứ thực hiện. Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, nếu được HĐND TP thông qua, lộ trình tiến tới dừng hẳn hoạt động của xe máy trong nội đô TP sẽ được triển khai ngay trong năm 2017 này.