Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Trên 98% công nhân lao động đã trở lại làm việc sau nghỉ Tết

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo tổng hợp của các cấp Công đoàn Thành phố Hà Nội, tính đến 9h ngày 19/2/2024 (tức 10 Tết) có 99,2% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 98,6% số công nhân lao động trở lại làm việc. Số doanh nghiệp còn lại dự kiến sẽ mở xưởng làm việc từ thứ 2, ngày 26/2/2024.

Có 98,6% công nhân lao động tại Hà Nội đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Có 98,6% công nhân lao động tại Hà Nội đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Thông tin về tình hình quan hệ lao động, lương, thưởng và kết quả chăm lo cho đoàn viên, người lao động trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh cho biết, theo tổng hợp của các cấp Công đoàn Thành phố, tính đến 9h ngày 15/2/2024 (tức ngày 6 Tết Nguyên đán), có 80,78% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 88,67% số công nhân lao động trở lại làm việc (số công nhân lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp đã mở cửa sản xuất).

Tính đến 9h ngày 19/2/2024 (Tức 10 Tết) có 99,2% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 98,6% số công nhân lao động trở lại làm việc. Số doanh nghiệp còn lại dự kiến sẽ mở xưởng làm việc từ thứ 2, ngày 26/2/2024 (tức ngày 17 Tết Nguyên đán).

Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô ổn định, không xảy ra đình công, ngừng việc tập thể.

Về tình hình lương, thưởng Tết, ngay từ những tháng cuối năm, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chủ động xây dựng kế hoạch chăm lo Tết cho công nhân viên chức lao động; đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc chi trả lương, thưởng Tết và các chế độ, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Với tinh thần nỗ lực vượt khó, đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương cho người lao động. Đây là giải pháp quan trọng để người lao động yên tâm làm việc, doanh nghiệp hoạt động ổn định, góp phần bảo đảm đời sống cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, tiền lương bình quân của người lao động năm 2023 bằng năm 2022.

Tuy nhiên, tiền thưởng Tết của người lao động bị giảm đáng kể so với năm 2023 do tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp trên địa bàn khó khăn, bị thiếu, hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân công.

Cụ thể, về mức lương trung bình của người lao động năm 2023: Đối với các doanh nghiệp thuộc Công ty có cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước tăng 0,72% so với năm 2022. Đối với các loại hình doanh nghiệp còn lại bằng năm 2022.

Về tiền thưởng Tết 2024, thưởng Tết Dương lịch 2024 giảm từ 16,67% đến 32,31% so với Tết 2023. Thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 giảm từ 1,41% đến 2,44% so với Tết Quý Mão 2023, trong đó mức giảm sâu thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ.

Đối với hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ và Thành ủy Hà Nội, Thường trực LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn: Tổ chức chương trình "Tết sum vầy - Xuân chia sẻ"; Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024”; Tổ chức hỗ trợ; Thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết đoàn viên và người lao động; Tổ chức Chương trình “Hành trình Tết Công đoàn - Xuân 2024”. Qua đó, các cấp Công đoàn Thủ đô đã hỗ trợ, tặng quà cho hơn 513.000 lượt đoàn viên, người lao động với số tiền hơn 188 tỷ đồng.

Riêng cấp Thành phố đã tổ chức các hoạt động chăm lo cho hơn 44.000 lượt đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hơn 31 tỷ đồng. Cùng đó, trong dịp Tết, có 372 công nhân lao động ở lại nhà trọ, không về quê ăn Tết (thuộc địa bàn các quận/ huyện: Long Biên, Hoàng Mai, Gia Lâm, Mê Linh….). Các LĐLĐ quận/huyện đã tổ chức thăm, tặng quà cho công nhân lao động mức 1 triệu đồng/người.