Hà Nội: Triển khai bán hàng lưu động bằng ô tô và xe bus trong thời gian giãn cách

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 20/8, Sở Công Thương Hà Nội thông tin, để đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng trong thời gian giãn cách xã hội, 13 doanh nghiệp đã đăng ký triển khai bán hàng lưu động bằng ô tô và xe bus, trong trường hợp cấp bách sẽ kêu gọi doanh nghiệp mở rộng triển khai mô hình này.

Cụ thể, 12 doanh nghiệp đăng ký bán hàng bằng ô tô gồm: Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì; Công ty CP Dafusa Việt Nam; Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân; Công ty CP TTTM Lotte Việt Nam; Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Lan Chi; Công ty TNHH Aeon Việt Nam, Công ty TNHH Thực phẩm Lương An; HTX Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì; HTX Nông nghiệp Khánh Phong; Công ty CP Rau an toàn Hà Nội; CLB làng nghề cốm Mễ Trì, HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phát. Riêng Công ty TNHH du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến đăng ký 10 xe bus bán hàng lưu động.
 Điểm bán hàng lưu động của AEON tại phường Thượng Đình (Thanh Xuân)

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, các doanh nghiệp bán hàng lưu động bằng xe ô tô, xe bus sẽ triển khai bán hàng ở các khu nhà trọ, khu đông dân cư để hạn chế công nhân không phải đi chợ, tiềm ẩn nguy cơ lây dịch bệnh.
Đến nay, đã có 9 quận tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ nhân dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Cùng với đó, để sẵn sàng phục vụ hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân khi diễn biến dịch phức tạp hơn, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký nhu cầu bán hàng lưu động bằng xe ô tô. Hiện đã có 6 quận, huyện đăng ký 62 điểm điểm bán hàng bằng xe bus, xe ô tô. Ngoài ra, Sở cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả, khi tiếp nhận thông tin chợ nào có hiện tượng tăng giá sẽ phối hợp để kiểm tra.
 Người tiêu dùng mua hàng tại điểm bán hàng lưu động phường Thượng Đình (Thanh Xuân)

Giám đốc Siêu thị AEON Long Biên Đàm Mạnh Tuấn thông tin, từ ngày 2/8, AEON Việt Nam triển khai bán hàng lưu động bán tại 4 điểm trên địa bàn quận Long Biên gồm: Số 5 đường Vạn Hạnh, khu đô thị Việt Hưng; sân bóng đảo Sen 125 Nguyễn Sơn; sân chơi số 34 phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy và số 11 Đặng Vũ Hỷ, phường Thượng Thanh; cùng một số điểm tại quận Thanh Xuân.
“Siêu thị AEON Long Biên cam kết, giá bán của các sản phẩm tại điểm bán hàng lưu động luôn bằng giá bán tại siêu thị và sẽ được niêm yết cụ thể ngay tại mỗi điểm bán để người dân có thể dễ dàng tham khảo và an tâm mua sắm. Siêu thị AEON Long Biên đã làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo về nguồn hàng và hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa được liên tục, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân quận Long Biên, Thanh Xuân cũng như tại Hà Nội ”-ông Đàm Mạnh Tuấn khẳng định.
Để đảm bảo kết nối nguồn cung hàng hóa cho TP Hà Nội, giảm tải lượng hàng hóa về các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối hoặc trường hợp chợ đầu mối tạm đóng cửa do dịch, UBND TP Hà Nội đã trưng dụng 5 địa điểm làm nơi tập kết hàng hóa: Khu công nghiệp phụ trợ Nam Hà Nội (huyện Phú Xuyên); Khu tái định cư – xã Tiên Dược (Sóc Sơn); Ô đất trống xã Dương Xá (Gia Lâm); Bến xe Yên Nghĩa – phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông); Trung tâm xúc tiến thương mại- Bộ NN &PTNT số 489 Hoàng Quốc Việt (Bắc Từ Liêm). Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa TP Hà Nội đã cấp mã nhận diện luồng xanh cho 2.200 ô tô, trên 9.000 xe máy và 14.000 shiper  được cấp mã vận chuyển hàng hóa.