Hà Nội triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với Covid-19

N. Trâm - T. Tiên - D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đến nay, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của Thành phố đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, ứng phó với dịch bệnh Covid-19”, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết.

Ngày 16/4, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19.
Tham dự Chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản và đại diện gần 50 doanh nghiệp, hiệp hội trên địa bàn TP Hà Nội.
 Lãnh đạo Thành phố Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Nhiều ngành bị ảnh hưởng, DN gặp khó do Covid-19
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên địa bàn, tại buổi đối thoại doanh nghiệp, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì, song do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, nên hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng đều thấp hơn so với cùng kỳ.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn quý I tăng ở mức 3,72%. Trong đó: dịch vụ tăng 3,20%; Công nghiệp và xây dựng tăng 5,46%; Nông nghiệp giảm 1,17% so với cùng kỳ; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,44%; Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 7,4%, tổng mức bán lẻ tăng 2,3%.
Đến nay, Hà Nội có tổng số trên 285.360 DN đăng ký hoạt động, trong đó chủ yếu là các DNVVN chiếm đến 97%. Trong 4 năm, từ 2016-2019, Hà Nội có hơn 105.000 DN thành lập mới, với tốc độ tăng đều qua các năm (khoảng 9%/năm).
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, các DN tại Hà Nội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số lượng DN ngừng hoạt động còn nhiều; Quy mô DN chưa có nhiều cải thiện; Năng lực quản trị DN, nhất là DNNVV còn hạn chế; tình trạng thiếu vốn; khó khăn về mặt bằng sản xuất vẫn xảy ra. Đặc biệt, trong quý I/2020, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn TP Hà Nội bị ảnh hưởng rất lớn bởi tác động của dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu.
Các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn... bị ảnh hưởng rõ rệt. Nhiều DN phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Riêng 3 tháng đầu năm, số DN đăng ký ngừng hoạt động là 4.240 DN (tăng 36% so với cùng kỳ); số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 13.215 người, tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Nhiều giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp
Theo Sở KH&ĐT, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, TP đã xây dựng 3 kịch bản điều hành phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ứng phó với dịch bệnh Covid-19: Kịch bản 1: Dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra; Kịch bản 2: Dịch bệnh được kiểm soát vào quý III nhưng tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra; Kịch bản 3: Dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra (cả nước dự báo tăng trưởng khoảng 5%).
Trên cơ sở đó, ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19, cụ thể như:
Hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh và duy trì trật tự an toàn xã hội: TP đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ về chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, Thành phố đang rà soát các đối tượng được hưởng chế độ với tổng số kinh phí dự kiến khoảng 7.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, TP đã xây dựng một số nhóm chính sách hỗ trợ đặc thù của Hà Nội trình HĐND, dự kiến trình thông qua để thực hiện, như: Hỗ trợ doanh nghiệp chi phí trả kết quả thực hiện TTHC về đăng ký DN trên địa bàn; Hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng đối với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung; Hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu bị sụt giảm lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bổ sung thêm đối tượng được hưởng chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 so với nội dung quy định tại Nghị quyết số 37/NQ-CP như: Người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly; Cán bộ, người lao động (y tế, công an, quân đội, dân phòng, lực lượng tự quản,....) tham gia thực hiện việc khoanh vùng, phong tỏa cách ly; Cán bộ, người lao động thuộc các cơ sở y tế dự phòng tham gia chống dịch; Người bảo vệ địa điểm cách ly...
Triển khai thực hiện nghiêm túc 07 nhóm nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 bằng 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19: Chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối đa.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 như: Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; Hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh; Chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp (dư nợ cho vay đến nay ước đạt 546 nghìn tỷ đồng); Thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều gói chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp (hiện nay, các cây trồng vụ xuân đang phát triển tốt; dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát và không phát sinh ổ dịch mới trong 30 ngày, tạo điều kiện đẩy mạnh tái đàn);
Hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh: Thành phố đã phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN), trong đó, tổng số CCN quy hoạch đến năm 2020, có xét đến năm 2030 là 159 cụm với 3.204,31 ha.
Hiện tại đã có 70 CCN đang hoạt động với với diện tích là 1.328,64 ha, đang hỗ trợ khoảng 3600 doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất để tiến hành hoạt động sản xuất tại các CCN; Tổ chức kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng 68 CCN, tổng diện tích là 1.016,72 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 19.600 tỷ đồng để hỗ trợ về mặt bằng sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
 Toàn cảnh phiên đối thoại
Hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ: Triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Hỗ trợ kinh phí thực hiện hợp đồng tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển sản phẩm trí tuệ; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng (kinh phí hỗ trợ từ 50 đến 100 triệu đồng/1DN/1 hợp đồng/năm); Hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các đề tài nghiên cứu của doanh nghiệp (khoảng 1 tỷ đồng/1 dự án)…
Thành phố đã ban hành và triển khai thực hiện 02 Đề án: Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 (phê duyệt tại Quyết định 4665/QĐ-UBND); Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 (phê duyệt tại Quyết định 4889/QĐ-UBND) trong đó triển khai nhiều chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.
Cụ thể, hỗ trợ kinh phí thành lập mới cho doanh nghiệp thành lập mới (phí công bố thông tin lần đầu, kinh phí làm dấu và chuyển trả kết quả cho doanh nghiệp, kinh phí hỗ trợ 420.000 đồng/1 DN); Hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV (trên 20 tỷ/năm).
Hỗ trợ kinh phí đào tạo kiến thức khởi nghiệp sáng tạo (20 triệu đồng/1DN/1 năm); Hỗ trợ xây mới, cải tạo, sửa chữa cơ sở ươm tạo, không gian khởi nghiệp không quá 200 triệu đồng/cơ sở; Hỗ trợ 50% nhưng không vượt quá 5 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phí tham gia các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung dành cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo;....
Triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh: Thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như: sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế: máy thở, dụng cụ xét nghiệm; dược phẩm); thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ: thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; giáo dục trực tuyến;…theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết.
“Đến nay, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của Thành phố đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, ứng phó với dịch bệnh Covid-19”, lãnh đạo Sở KH&ĐT báo cáo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần