Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội triển khai hỗ trợ doanh nghiệp: Hơn 21.300 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế (NNT), TP Hà Nội đã khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tính đến ngày 29/8/2021, cơ quan thuế thực hiện gia hạn cho tổng số 29.744 NNT với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 21.335,3 tỷ đồng

Triển khai hỗ trợ DN nhanh chóng, hiệu quả
Thời gian qua, Chính phủ đã chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, TP Hà Nội đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai và hướng dẫn triển khai chi tiết các giải pháp, chính sách của Chính phủ.
 Ảnh minh họa
Báo cáo của Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, tính đến ngày 29/8/2021, cơ quan thuế thực hiện gia hạn cho tổng số 29.744 NNT với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 21.335,3 tỷ đồng. Trong đó, số thuế GTGT được gia hạn là 8.287 tỷ đồng (tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020 gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP). Số tiền thuê đất được gia hạn là 1.044 tỷ đồng (bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2020). Số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạm nộp quý I và II năm 2021 được gia hạn là 11.984 tỷ đồng (tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020 gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP). Số hộ cá nhân kinh doanh đã nộp giấy đề nghị gia hạn là 660 hộ với số thuế GTGT và TNCN đề nghị gia hạn 20,3 tỷ đồng.
Đánh giá về các hỗ trợ thuế cho DN của Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho rằng, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến các DN, đặc biệt DNNVV với quy mô nhỏ, nguồn vốn và tài chính hạn hẹp, ít nguồn lực dự phòng, khả năng ứng biến yếu trước thử thách gây ra bởi dịch bệnh...
"Dịch Covid-19 khiến cho nhu cầu sử dụng các dịch vụ, du lịch như nhà nghỉ, khách sạn, cửa hàng, trung tâm thương mại sụt giảm mạnh. Các DN xuất nhập khẩu cũng phải đối mặt với khó khăn khi việc phong tỏa, giãn cách được thắt chặt tại các quốc gia. Điều này khiến nhiều DNVVN, dẫn đến nguy cơ phá sản, rút khỏi thị trường nếu không có sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ"- ông Mạc Quốc Anh nói.
Bên cạnh việc chủ động triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ kịp thời đến với đối tượng được thụ hưởng trên địa bàn, cơ quan thuế Hà Nội đã và đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế, thường xuyên rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của cơ quan, tổ chức và DN, NNT. Từ đó, báo cáo TP và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đề xuất ban hành các giải pháp, quyết định phù hợp hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường.
Đây là những biện pháp kịp thời, hỗ trợ người dân và DN, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế-xã hội. Điều này cũng tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh trong giai đoạn hậu Covid-19; hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là khu vực DN nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể DN, tạo điều kiện để khu vực DN phục hồi nhanh khi tác động của đại dịch suy giảm và chấm dứt; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.
Tăng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
8 tháng đầu năm 2021, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ngoài việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả các giải pháp và chủ trương của Chính phủ, Hà Nội cũng chủ động thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất cho DN.
Theo đó, cơ quan thuế TP Hà Nội đã chủ động tuyên truyền thông qua nhiều hình thức đa dạng, trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền qua thư điện tử, Website qua các kênh truyền thông có tính lan tỏa rộng như Facebook, Youtube, Zalo… vừa đảm bảo hiệu quả trong công tác tuyên truyền hỗ trợ NNT, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, để phù hợp với tình hình mới.
Tổ chức hội nghị đối thoại trực tuyến, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho toàn bộ các DN trên địa bàn trên website Cục Thuế TP Hà Nội, qua đó 420 câu hỏi của DN, tổ chức, cá nhân trên địa bàn đã được giải đáp kịp thời qua thông qua website, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Ước tính, số vướng mắc được giải đáp thông qua chương trình hỗ trợ trực tuyến năm nay cao gấp 5 lần so với hội nghị hỗ trợ theo hình thức trực tiếp.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, ngành thuế trong đó có Cục Thuế TP Hà Nội đã có sự chuyển biến tích cực trong việc hỗ trợ NNT, đặc biệt trong công tác tuyên truyền hỗ trợ NNT và công tác thanh tra, kiểm tra. Bà Nguyễn Thị Cúc đánh giá cao chương trình hỗ trợ trực tuyến này và cho rằng đây là nỗ lực lớn, sự thay đổi trong cách đối thoại của Cục Thuế TP trong bối cảnh Covid-19.
Ngoài ra, Hà Nội cũng tích cực cải cách thể chế, chính sách và thủ tục hành chính hỗ trợ DN. Phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuế tại cơ quan thuế các cấp qua dịch vụ bưu chính công ích, qua dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh. Đến nay, đã tích hợp tổng số 150 thủ tục hành chính về thuế lên cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần công khai minh bạch các thông tin liên quan đến TTHC, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, hạn chế tiếp xúc giữa người nộp thuế và cán bộ thuế; giảm thiểu thời gian, tạo thuận lợi cho người dân và DN đồng thời hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.
Theo ông Nguyễn Tiến Trường - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, những tháng cuối năm, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan thuế Hà Nội là nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của NNT và tình hình quản lý thực tế DN để tháo gỡ và đề xuất một số giải pháp hỗ trợ về thuế như: Miễn, giảm tiền thuê đất năm 2021; giảm thuế GTGT, giảm thuế TNDN; miễn thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp.
”Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ DN và NNT thực hiện tốt các dịch vụ thuế điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh triển khai nộp điện tử lệ phí trước bạ ôtô xe máy; tăng cường các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với NNT khu vực cá thể. Tăng cường các ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động để tạo thuận lợi cho công dân khi giao dịch về thuế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai tốt cơ chế “một cửa liên thông”, tiến tới “một cửa liên thông điện tử”; kết nối, tạo cơ sở dữ liệu tập trung để phục vụ tốt cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của từng ngành và của TP”- ông Nguyễn Tiến Trường thông tin.