Hà Nội triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị

Thủy Tiên - Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều nay, 14/12, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, biên chế hành chính, sự nghiệp và phát động thi đua năm 2022.

Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; đại diện các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội. 
 Các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội và đại biểu dự hội nghị
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giải ngân hết kế hoạch vốn được giao
Mở đầu hội nghị, Chánh Văn phòng UBND TP Nguyễn Anh Dũng công bố Quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 của TP Hà Nội.  
Theo đó, UBND TP giao Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị thuộc TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã giao chỉ tiêu kế hoạch KT-XH và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 cho các đơn vị trực thuộc trước ngày 31/12/2021 và tổ chức thực hiện theo quy định. 
Về cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021, TP điều chỉnh giảm 100 tỷ đồng nguồn ngân sách T.Ư trong nước năm 2021 theo Quyết định số 1915/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách T.Ư năm 2021 giữa các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương.
Cập nhật kế hoạch vốn năm 2021 đối với các dự án thực hiện cơ chế thanh toán linh hoạt chi phí công tác chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, thanh quyết toán dự án hoàn thành, tổng cộng 144 tỷ 922 triệu đồng.
Hà Nội triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị - Ảnh 2
 Chánh Văn phòng UBND TP Nguyễn Anh Dũng công bố Quyết định về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 của TP Hà Nội.  
Về cập nhật Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cấp TP, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp TP từ nguồn dự phòng để hỗ trợ thực hiện các dự án nâng cấp tuyến y tế cơ sở, trong đó, năm 2022 cân đối 1.000 tỷ đồng, phần kinh phí còn lại sẽ được chuẩn xác và cân đối sau khi Kế hoạch đầu tư nâng cấp y tế tuyến cơ sở được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cập nhật danh mục, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho 3 dự án sử dụng vốn ngân sách T.Ư trong nước bao gồm: Nguồn ngân sách T.Ư là 4.400 tỷ đồng và ngân sách TP đối ứng 6.410 tỷ đồng.
Phân bổ chi tiết Kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021-2025 nguồn ngân sách T.Ư vốn trong nước là 1.031 tỷ 575 triệu đồng cho 16 dự án thu hồi vốn ứng trước ngân sách T.Ư theo Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 2025.
Hà Nội triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị - Ảnh 3
 Quang cảnh hội nghị. 

UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn được giao năm 2022 theo quy định của Luật Đầu tư công. Đề cao kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn kết quả giải ngân với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đến hết niên độ ngân sách, các đơn vị không giải ngân tối thiểu đạt 90% kế hoạch được giao là một trong các tiêu chí để xem xét đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và cán bộ, công chức liên quan theo quy định. 
Tập trung hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt của năm 2021 
Tại hội nghị nhấn mạnh nội dung Kế hoạch về phát triển KT-XH, kế hoạch đầu tư công năm 2022, Giám đốc Sở KH-ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, HĐND TP đã quyết nghị mục tiêu, 22 chỉ tiêu KT-XH, trong đó, tăng trưởng GRDP năm 2022 đề ra từ 7,0-7,5%. Các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu đã được chỉ ra. Vì vậy, đề nghị các đơn vị tập trung khắc phục 5 nhóm tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo KT-XH, trong đó, hoàn thành chỉ tiêu chưa đạt của năm 2021, đặc biệt là về tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch; tỷ lệ cụm công nghiệp (đang hoạt động) có trạm xử lý nước thải. 
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 7,0-7,5%, Giám đốc Sở KH-ĐT đề nghị, các Sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo tập trung, quyết liệt, sâu sát, dứt điểm ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm, thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên. Trọng tâm là các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nhằm đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển kinh tế. 
 Giám đốc Sở KH-ĐT Đỗ Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. 
Đồng thời, các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh; tập trung huy động nguồn lực phát triển KT-XH. Tiếp tục cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng áp dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất và hiệu quả. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và hạ tầng thương mại, dịch vụ. Phát triển thị trường và mở rộng xuất khẩu. Phục hồi và phát triển du lịch. Nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao... Phấn đấu ngành dịch vụ tăng từ 7,1% trở lên; công nghiệp tăng từ 8,4% trở lên; xây dựng tăng từ 10,2% trở lên; nông nghiệp tăng từ 2,5% trở lên.
Về xây dựng Chương trình hành động năm 2022, Giám đốc Sở KH-ĐT Đỗ Anh Tuấn đề nghị, các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã xây dựng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành, lĩnh vực. Trong đó, chỉ rõ giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế. Phân công rõ lãnh đạo chỉ đạo, đơn vị triển khai thực hiện gắn với tiến độ hoàn thành cụ thể từng nhiệm vụ. 
Tuyệt đối không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản
Đối với Kế hoạch đầu tư công năm 2021, Giám đốc Sở KH-ĐT yêu cầu các đơn vị tập trung cao độ để thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân KH vốn trong những tuần cuối cùng tháng 12/2021 và tháng 01/2022. Trong đó, UBND các quận, huyện, thị xã cần đặc biệt nỗ lực, cố gắng để phấn đấu giải ngân đạt trên 95% như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.  
Tính đến hôm nay (14/12/2021), tỷ lệ giải ngân toàn TP đạt 50,9% KH TP giao và 56,2% KH Thủ tướng giao. “TP đã phân cấp, ủy quyền rất mạnh cho cấp huyện” - ông Đỗ Anh Tuấn cho biết. Đồng thời thông tin, năm 2021, số vốn do các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư chiếm 66% tổng KH của toàn TP, nếu không tính số vốn ODA thì chiếm tới 79% KH vốn trong nước.
Đối với Kế hoạch đầu tư công năm 2022, Giám đốc Sở KH-ĐT đề nghị các đơn vị thực hiện và giải ngân vốn đầu tư trên cơ sở danh mục và mức vốn được giao, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định khác liên quan, tuyệt đối không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản. 
Đối với các dự án ngân sách cấp TP, Giám đốc Sở KH-ĐT đề nghị các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chuyển tiếp. Đồng thời đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, công tác lập dự án để đủ điều kiện bố trí vốn, khởi công công trình trong năm 2022, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022...
Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): 7,0- 7,5%.
2. GRDP bình quân đầu người: 139-141 triệu đồng. 
3. Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển xã hội: 10%.  
4. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu: 5,0%. 
5. Chỉ số giá tiêu dùng: dưới 4%.
6. Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước: 0,1%.
7. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân so với năm trước: 0,1%. 
8. Duy trì 100% xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
9. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế: 92,5%. 
10. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động 40%; Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 1,5%.  
11. Tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 37,5%. 
12. Giảm số hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố so với năm trước: 20%. 
13. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị: dưới 4%. 
14. Tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo: 72,2%. 
15. Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm: 70 trường.
16. Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa". 88%. 
17. Tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa": 63%.
18. Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa": 72,5%. 
19. Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch: khu vực đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt 85%.
20. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày: 100%. 
21. Xử lý ô nhiễm môi trường: Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đã đi vào hoạt động) có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng: 95%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 100%. Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%. Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: 28,8%. 
22. Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao tăng thêm: 25 xã; Số xã nông thôn mới kiểu mẫu tăng thêm: 15 xã.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần