Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và phát động thi đua 2021

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 11/12/2020, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, biên chế hành chính sự nghiệp và phát động thi đua 2021.

Dự Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà...

Chỉ tiêu GRDP năm 2021 tăng khoảng 7,5%

Năm 2021, UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu tổng quát: Lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế. Phát triển mạnh sự nghiệp văn hóa, xã hội, thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới, các hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.

 Các đại biểu dự Hội nghị
Tăng cường xây dựng, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng NTM; tiếp tục đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính; thăng hạng các chỉ số PCI, PARIndex; có giải pháp nâng cao chỉ số PAPI, SIPAS; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, thực thi pháp luật; tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Thực hiện năm chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển.
Các chỉ tiêu chủ yếu: Gồm 23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu, trong đó GRDP tăng khoảng 7,5%; GRDP/người khoảng 135 triệu đồng; vốn đầu tư xã hội tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; Kiểm soát lạm phát, chỉ số giá dưới 4%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 85 trường; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch 85%; số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã, hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt nông thôn mới.

Thành phố đặt nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như chỉ đạo, điều hành quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm; triển khai thực hiện tốt 02 Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chê, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; đảm bảo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ Trung ương và Thành uỷ đề ra, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII; xây dựng và triển khai thực hiện 10 chương trình hành động toàn khóa của Thành ủy Hà Nội; Đảm bảo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và tổ chức bầu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tập trung phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế.

 Quang cảnh hội nghị

Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, nâng cao đời sống của người dân.

Tăng cường xây dựng và quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tiếp tục cải cách hành chính; công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đảm bảo quốc phòng địa phương, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tích cực thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

Hướng dẫn và lưu ý một số nội dung liên quan, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, năm 2021, thành phố có 25 chỉ tiêu kế hoạch, bao gồm: 01 chỉ tiêu thu chi ngân sách, 23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, 1 chỉ tiêu về biên chế hành chính sự nghiệp. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, với thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế”, đặc biệt là tập trung đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành kinh tế nhằm lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2021, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, dứt điểm ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên các nhiệm vụ được giao. 

 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại Hội nghị

Đồng thời cập nhật kết quả đạt được năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 nhằm triển khai thực hiện đảm bảo tính khả thi của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17; báo cáo UBND TP trình kỳ họp thứ 2 HĐND TP nhiệm kỳ 2021 - 2026 thông qua.

Ngay trong tháng 12/2020, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện phân cấp quản lý kinh tế xã hội và phân cấp nguồn thu nhiệm vụ chi giai đoạn 2021 - 2025, gửi Sở KHĐT tổng hợp, báo cáo UBND TP để Ban Cán sự Đảng UBND TP báo cáo Thành ủy ngay trong tháng 01/2021 theo Chương trình công tác của Thành ủy.

Không bố trí dự toán cho các nhiệm vụ chưa thật sự cấp bách

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà cho biết, chỉ tiêu thu NSNN trên địa bàn được UBND TP trình HĐND TP là 251.321 tỷ đồng, cao hơn dự toán Thủ tướng Chính phủ giao 15.800 tỷ đồng; dự toán chi ngân sách địa phương (không kể chi trả nợ gốc) năm 2021 là 108.593 tỷ đồng (cao hơn 11.424 tỷ đồng so với dự toán Trung ương giao), trong đó chi ngân sách Thành phổ trực tiếp quản lý 75.074,6 tỷ đồng; chi ngân sách quận huyện xã phường: 53.793,7 tỷ đồng.

Để thực hiện thắng lợi dự toán ngân sách năm 2021, Sở Tài chính đề nghị các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã tập trung triển khai một số nội dung: Một là, triển khai phân bổ và giao dự toán ngân sách năm 2021 cho các đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới theo quy định của Luật NSNN. 

Trong đó, căn cứ quyết định giao dự toán ngân sách năm 2021 của UBND Thành phố. các sở, ban, ngành phân bổ và giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2021 cho các đơn vị trực thuộc trước 31/12/2020, đảm bảo theo quy định của Luật NSNN để các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Dự toán chi phải đảm bảo khớp đúng dự toán được giao về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi.

UBND các quận, huyện, thị xã trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu, chi ngân sách và phương án phân bổ dự toán ngân sách quận, huyện, thị xã năm 2021 chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày HĐND Thành phố quyết định dự toán ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp Thành phố năm 2021; đồng thời, chậm nhầt là 05 ngày làm việc kể từ ngày HĐND cùng cấp quyết định dự toán ngân sách, UBND các quận, huyện, thị xã giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng cơ quan, đơn vi trực thuộc quận, huyện, thị xã và ngân sách câp dưới, đảm bảo các câp ngân sách hoàn thành việc phân bô và giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc theo quy định của Luật NSNN.

 Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà phát biểu tại Hội nghị

Khi xây dựng và trình phương án phân bổ ngân sách, đề nghị các sở ngành và quận, huyện, thị xã quản triệt thực hiện các chủ trương, chỉnh sách của Trung ương và Thành phố, trong đó:

Việc phân bổ dự toán năm 2021 phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Thành ủy, và nguyên tắc HĐND và UBND Thành phố đã thông nhât, theo đó: triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, rà soát kỹ các nhiệm vụ chi ngoài định mức khoán chi, không bố trí dự toán cho các nhiệm vụ chưa thật sự cấp bách, hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài,...

Quản lý, điều hành ngân sách linh hoạt, chặt chẽ, an toàn và đảm bảo cân đối ngân sách các cấp. Đối với nhiệm vụ thu ngân sách: cơ quan Thuế, Hải quan chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy đinh; quản lý chặt chẽ nguồn thu, mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế, chống thất thu, chống chuyển giá; tăng cường công tác quản lý chứng từ, hóa đơn; thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi thương mại gắn với chống gian lận thương mại; tăng cường sự phối hợp các cơ quan liên quan trong công tác đôn đôc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả cao. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh góp phần nuôi dưỡng nguồn thu; đảm bảo số nợ thuế năm 2021 dưới 5% tổng số thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của HĐND Thành phố.

Tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách, thực hiện công khai tài chính ngân sách theo quy định; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội...

Bắt tay ngay vào công việc

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, đây là hội nghị rất quan trọng, là cơ hội đặc biệt không chỉ để kịp thời triển khai các chỉ tiêu KTXH, ngân sách, biên chế sự nghiệp mà còn là thời điểm cuối nhiệm kỳ chuẩn bị cho cả một nhiệm kỳ mới. Hội nghị còn có ý nghĩa khi là bước đầu tiên cụ thể hóa các nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP, Hội nghị lần thứ 2 BCH Đảng bộ TP vừa qua.
Chủ tịch UBND TP cho rằng, khối lượng công việc rất nhiều, hội nghị này là bước đầu tiên, pháp lệnh hóa để cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp; từng bước triển khai khoa học để hoàn thành lời hứa, đáp ứng mong mỏi của cử tri Thủ đô.
Điểm lại dấu ấn đặc biệt nhất của Thủ đô trong năm qua trong bối cảnh Covid-19 tác động nặng nề, Chủ tịch UBND TP phân tích: “Bị ảnh hưởng, tác động lớn củ dịch bệnh, nhưng Hà Nội đã đi đầu trong thực hiện mục tiêu “kép”. Từ thực tế, Hà Nội đã thường xuyên họp, giao ban, chỉ đạo kịp thời. Từ đó tạo ra chuyển động, và đạt những kết quả vượt bậc mọi mặt”.
Trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch UBND TP nêu tình trạng hiện nay ở Thủ đô còn tâm lý chủ quan, ít nhiều ở địa bàn này, bộ phận kia vẫn còn. Chủ tịch UBND TP nhắc nhở các đơn vị cần phải phát huy trách nhiệm của Thủ đô đảm bảo tuyệt đối an toàn các sự kiện trọng đại của đất nước.
Chủ tịch UBND TP cho biết, Bí thư Thành ủy có gửi gắm thông điệp cần quán triệt đến các cấp, ngành rằng việc thực hiện mục tiêu kép cần phải: “Kiểm soát phòng chống Covid-19 và các loại dịch bệnh phải được coi trọng, ưu tiên hàng đầu ở mức cao nhất. Dập tắt từ đốm lửa nhỏ, không được để lây lan dịch bệnh”.
Về 23 chỉ tiêu KTXH năm 2021, Chủ tịch UBND TP đặc biệt lưu ý phải có quyết định về chương trình triển khai hành động, có phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể.
  Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị. 
“Tất cả các sở ngành phải tự nhận trách nhiệm của mình với các chỉ tiêu KTXH. Để tăng trưởng nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thu chi ngân sách. Các sở ngành phải tham gia xây dựng kịch bản cụ thể, có biện pháp tháo gỡ khó khăn. Đây là yêu cầu nghiệp vụ các đơn vị phải khẩn trương làm rõ” - Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh yêu cầu.
Nêu việc vừa qua các sở ngành đã phối hợp chặt chẽ, giúp công việc “trôi chảy”, hiệu quả hơn, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo các sở ngành phải đặc biệt chú ý đặt hàng khoa học công nghệ. Khoa học không phải đâu xa mà ở phải gắn vào 7 chương trình trọng tâm mà Đảng bộ TP đã đặt ra. Có sở ngành gắn trực tiếp vào các chỉ tiêu theo pháp lệnh, các sở ngành khác phải làm rõ liên quan đến chỉ tiêu, chương trình nào để cụ thể hóa nhiệm vụ ngay.
Chủ tịch UBND TP cũng nhắc UBND các cấp tập trung, bắt tay ngay công việc, lấy lại đà tăng trưởng. Chủ tịch UBND TP lưu ý, chỉ còn ba tuần nữa là kết thúc năm 2020, đề nghị các đồng chí tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm, trọng tâm tập trung vào công tác thu ngân sách để đạt mức cao nhất và đôn đốc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020. Đồng thời, chuẩn bị thật chu đáo về mọi mặt để đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối trên địa bàn phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc Lần thứ 13, các sự kiện chính trị, ngoại giao và tổ chức cho Nhân dân đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2021 an toàn, tiết kiệm và vui vẻ.
“Với tinh thần quyết tâm thi đua phấn đấu ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm, thay mặt UBND TP, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, công nhân viên, người lao động toàn TP phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, kỷ cương, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021” - Chủ tịch UBND TP nói.

23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 của thành phố Hà Nội

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): khoảng 7,5%.

2. GRDP bình quân đầu người: khoảng 135 triệu đồng.

3. Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn: 12%.

4. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu: 5,0%.

5. Chỉ số giá tiêu dùng: dưới 4%.

6. Giảm tỷ suất sinh thô so với năm trước: 0,1 %.

7. Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước: 0,1%.

8. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng so với năm trước: 0,1%.

9. Duy trì 100% xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

10. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế: 91,5%.

11. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động 39%; Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 37%.

12. Tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động (nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức): 1%.

13. Giảm số hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố: 20% (Sở LĐTB&XH đang tham mưu xây dựng tiêu chí nghèo của Thành phố giai đoạn 2021-2025).

14. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị: dưới 4%.

15. Tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo: 72%; Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ: 50,5%.

16. Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm: 85 trường.

17. Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa": 88%.

18. Tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa": 62%.

19. Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa": 72%.

20. Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch: khu vực đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt 85%.

21. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày: 100%.

22. Xử lý ô nhiễm môi trường: (i) Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đã đi vào hoạt động và xây mới) có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng: 95%. (ii) Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 100%. (iii) Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%. (iv) Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: 28,8%.

23. Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm: 14 xã; số xã được công nhận đạt tiêu chí NTM nâng cao tăng thêm: 20 xã; số xã được công nhận đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu tăng thêm: 5 xã.

(tiếp tục cập nhật...)