Hà Nội: Triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị với tâm thế tốt nhất

Hồng Thái - Thùy Linh - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/7/2021, thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”.

Đến thời điểm này, các cấp, ngành, các quận và thị xã Sơn Tây đã triển khai thực hiện các công việc theo đúng kế hoạch của UBND thành phố, quyết tâm thực hiện hiệu quả việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Quang Trung (quận Đống Đa) Nguyễn Anh Tuấn

Hoàn thành công tác chuẩn bị và sẵn sàng bước vào thực hiện từ 1/7

Đối với phường Quang Trung, phường đã tập trung tuyên truyền thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 12/4/2021 để triển khai thực hiện Nghị định 32 nhằm để cán bộ, đảng viên, cán bộ, công chức phường nắm vững những nội dung cơ bản và thực hiện đúng quy định. Tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và Nhân dân.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Quang Trung (quận Đống Đa) Nguyễn Anh Tuấn

Bên cạnh đó, thực hiện rà soát đội ngũ cán bộ, công chức phường để xây dựng phương án sắp xếp, bố trí theo quy định. Cụ thể, rà soát phương án sắp xếp, đề nghị UBND quận bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch. Bên cạnh đó rà soát hiện trạng đội ngũ công chức, người hoạt động không chuyên trách ở phường và ở tổ dân phố phục vụ việc phân công cán bộ, công chức một cách bài bản, thận trọng, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, bảo đảm sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy của UBND các phường tinh gọn, ổn định, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với mục tiêu khi thực hiện mô hình thí điểm chính quyền đô thị đảm bảo nâng cao chất lượng phục vụ của chính quyền, tạo động lực phát triển nhanh, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước tại địa bàn. Đồng thời đảm bảo quyền lợi của công chức phường khi được chuyển đổi từ công chức xã thành công chức thuộc quận.

Theo đó, phường đã ban hành quy chế làm việc của UBND phường thực hiện từ ngày 01/7/2021. Quy chế đã được tất cả các thành viên UBND phường thống nhất và đồng thuận cao để làm cơ sở đảm bảo hoạt động của chính quyền đô thị phường khi đi vào hoạt động. Đến nay, về cơ bản cả hệ thống chính trị và người dân toàn phường đã hoàn thành công tác chuẩn bị và sẽ bước vào việc tổ chức hoạt động của chính quyền đô thị tại phường từ ngày 01/7/2021 với tâm thế tốt nhất.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bách Khoa Nguyễn Văn Khang

Công việc giải quyết cho dân sẽ triển khai nhanh hơn

Đến thời điểm ngày 30/6, trụ sở phường đã được trang trí lại, thay mới những biển bảng có liên quan đến HĐND phường, trong đó biển hiệu trụ sở phường đã không còn chữ “HĐND” mà chỉ ghi “Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Bách Khoa”. Từ trước đó, bộ máy cán bộ đã được rà soát sắp xếp kiện toàn theo đúnh mô hình chính quyền đô thị, trong đó đồng chí Chủ tịch HĐND đã được luân chuyển sang làm Chủ tịch UBND phường khác, Phó Chủ tịch HĐND phường sang làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường. Trong sáng 1/7, lãnh đạo quận sẽ về UBND phường công bố, trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch và 2 phó Chủ tịch UBND phường, công bố quyết định toàn bộ 15 cán bộ công chức phường thành công chức quận (công chức hành chính).

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bách Khoa Nguyễn Văn Khang

Thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại các phường, tôi cho rằng thực tế không có gì thay đổi nhiều về công việc, bởi dù bỏ HĐND phường nhưng hoạt động của phường vẫn dưới sự giám sát của HĐND quận. Song, từ chính quyền 3 cấp thành chính quyền 2 cấp thôi, nên sau này các khâu công việc giải quyết cho người dân sẽ triển khai nhanh hơn, trong đó có việc lãnh đạo UBND phường ủy quyền cho cán bộ tư pháp được ký các hồ sơ chứng thực nên sẽ thường xuyên và trực tiếp luôn, không phải chờ lãnh đạo ký nữa mà cán bộ đó được ký ngay và trả hồ sơ cho dân nhanh hơn. 3 lãnh đạo UBND phường và có thêm 1 cán bộ tư pháp thực hiện việc này, nên lãnh đạo UBND phường sẽ có thời gian tập trung làm những công việc khác sâu hơn, phân quyền phân cấp rõ ràng hơn, đồng thời người dân được giải quyết hồ sơ nhanh hơn.

Bí thư chi bộ khu dân cư số 3, phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) Phạm Sông Thao

Tạo sự chuyển biến tích cực

Thực hiện mô hình “Chính quyền đô thị” tại Hà Nội sẽ tạo sự chuyển biến tích cực từ người đứng đầu đến đội ngũ cán bộ công chức và hệ thống chính trị các cấp. Kể từ ngày 1/7/2021, TP Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 12 quận và thị xã Sơn Tây - là một mô hình mới đối với Việt Nam nên có thể  không ít ngươi chưa hình dung được khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị có khác gì so với trước?

Bí thư chi bộ khu dân cư số 3, phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) Phạm Sông Thao

Đa số người dân mong muốn, thực hiện mô hình chính quyền gì thì khi người dân đến cơ quan UBND các cấp, mọi việc đều được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi. Khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác từ người đứng đầu, nhất là đội ngũ công chức công tác tại phường có tư duy đổi mới, tác phong làm việc nhanh nhẹn, không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần thái độ phục vụ...

Ngoài ra, các cán bộ, công chức phải biết phối hợp với hệ thống chính trị khu dân cư, đặc biệt là tổ trưởng tổ dân phố, dù khó khăn mấy cũng thành công. Hà Nội bước vào thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị cũng là lúc không còn tổ chức HĐND phường, đồng nghĩa với việc không còn tổ chức giữ vai trò giám sát nhà nước địa phương về xây dựng kế hoạch thu, chi ngân sách, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước,  trong đó có thực hiện chính sách đối với các đối tượng chính sách và người dân...

Như vậy, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội từ khu dân cư đến phường là rất quan trọng, đặc biệt là MTTQ phường, phải coi giám sát, thanh tra, phản biện, chất vấn là công tác trọng tâm. Để thực hiện tốt công tác này, đòi hỏi người cán bộ mặt trận phải có trình độ chuyên môn, năng lực và tinh thần trách nhiệm cao, hiểu biết pháp luật, có trình độ quản lý...