Chính xác, thuận tiệnTĐTDS và NƠ năm 2019 áp dụng cả hai phương pháp. Điều tra trực tiếp (còn gọi là CAPI) - điều tra viên thu thập thông tin trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh để tiến hành điều tra; và hộ tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Tổng điều tra (còn gọi là webform). Những hộ đăng ký trên internet cung cấp số điện thoại, email, sau đó các hộ này sẽ được cấp tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào trang http://tdt2019.gso.gov.vn/Account/Login. Trên hệ thống có tư vấn miễn phí 18009050.
Có 2 loại điều tra toàn bộ và điều tra chọn mẫu. Điều tra toàn bộ được thực hiện đối với các đối tượng thuộc các đơn vị nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở. Điều tra chọn mẫu thực hiện đối với một bộ phận dân số nhằm mục đích mở rộng điều tra, đáp ứng yêu cầu chuyên sâu, ngoài ra để phục vụ suy rộng, tổng hợp tính toán một số chỉ tiêu của TP đã mở rộng, thu thập thêm cỡ mẫu khoảng 15%. |
Vui vẻ, thoải mái sau khi hoàn thành phần kê khai thông tin, ông Trần Văn Sơn ở cụm 4, Kim Lũ cho biết: “Tôi thấy các câu hỏi cũng rõ ràng, dễ hiểu, cách làm nhanh gọn nên không mất thời gian”. Hình thức này có nhiều ưu điểm như giảm tải công việc của ĐTV thống kê, giảm chi phí điều tra và giảm thời gian các hộ tham dự phỏng vấn.
Để bảo đảm các thông tin hộ tự cung cấp là chính xác, không trùng lặp, người cung cấp thông tin là chủ hộ (hoặc người am hiểu về các thành viên trong hộ khi chủ hộ đi vắng). Đối với những thông tin về thành viên hộ không nắm chắc, ĐTV sẽ phỏng vấn trực tiếp. Riêng thông tin lao động, việc làm, ĐTV phải phỏng vấn trực tiếp, đối tượng điều tra (ĐTĐT) là người từ 15 tuổi trở lên; các thông tin về lịch sử sinh, sức khỏe sinh sản và phỏng vấn trực tiếp ĐTĐT là nữ vị thành viên từ 10 - 14 tuổi và phụ nữ từ 15 - 49 tuổi.
“Quan trọng nhất là không để sai sót thông tin. Phiếu hỏi trên Trang thông tin điện tử được thiết kế với các hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể và có lồng ghép các kiểm tra về logic giữa các thông tin. Khi đến trực tiếp phỏng vấn người dân, có nhiều tình huống phát sinh, đòi hỏi ĐTV phải linh động và khéo léo” - đại diện Cục Thống kê Hà Nội cho biết.
Sau khi các hộ hoàn thiện việc tự cung cấp thông tin, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã cũng có trách nhiệm kiểm tra lại tính logic, chính xác của các thông tin trước khi nghiệm thu. Nếu nhận thấy các thông tin mà hộ cung cấp chưa hợp lý hoặc chưa đúng với thực tế tại địa phương, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã có trách nhiệm xác minh lại những thông tin này bằng cách gọi điện thoại hoặc trực tiếp đến hộ.
Đảm bảo bí mật thông tin cá nhânTheo cơ quan thống kê, những thông tin cá nhân mà người dân cung cấp, ĐTV phải sử dụng phần mềm TĐTDS và NƠ. Thông tin thống kê chỉ được sử dụng để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, quản lý và điều hành chính sách chung; không sử dụng thông tin chi tiết của từng cá nhân cho các mục đích khác. Cùng với đó, một số yêu cầu cụ thể về việc bảo mật dữ liệu Tổng điều tra cũng đã được quy định cụ thể đối với từng ĐTV thống kê, giám sát viên và các cấp quản lý. Dữ liệu Tổng điều tra được quản lý tập trung và sử dụng phân quyền cho từng cấp; dữ liệu đã được thu thập và gửi về máy chủ của Tổng điều tra và sử dụng cho công tác kiểm tra, không chuyển ngược dữ liệu từ máy chủ về các thiết bị cá nhân. Do vậy, dữ liệu tổng thể của Tổng điều tra sẽ bảo đảm được bảo mật.
Hà Nội là một trong hai TP có số lượng đơn vị điều tra lớn trên cả nước với khoảng 2,2 triệu hộ được chia thành 17,8 nghìn địa bàn điều tra. TP đã huy động hơn 12.000 ĐTV thống kê trực tiếp phỏng vấn thu thập thông tin các hộ dân cư. Theo số liệu tổng hợp của Cục Thống kê Hà Nội, đến hết ngày 6/4/2019, Hà Nội đã hoàn thành phỏng vấn trên 30% số hộ. Trong những ngày đầu tiến hành điều tra, các ĐTV đã tuân thủ đúng quy trình; trong đó 3 ngày đầu, mỗi ĐTV chỉ phỏng vấn từ 3 - 5 hộ, sau đó BCĐ xã/phường/thị trấn tổ chức họp rút kinh nghiệm để thực hiện các ngày tiếp theo. Những ngày đầu đi điều tra nên thường chọn những hộ có nhà riêng lẻ (không phải chung cư), chủ hộ thường có nhà vào ban ngày, đây là những hộ ĐTV đến gặp được ngay và có thể hoàn thành phỏng vấn luôn được.
“Đối với địa bàn có nhiều nhà trọ công nhân, ĐTV có thể nhờ chủ nhà trọ giới thiệu. Hoặc các hộ gia đình khó gặp vào ban ngày thì ĐTV chịu khó đến vào chiều tối, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật” - đại diện Cục Thống kê Hà Nội chia sẻ, quyết tâm hoàn thành công tác thu thập thông tin tại địa bàn đúng tiến độ BCĐ T.Ư quy định.
Theo tính toán của Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, dân số Thủ đô trong 5 năm qua tăng thêm 1,3 triệu người, riêng khu vực nội thành tăng 1,2 triệu, trong đó phần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư. So với Thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN, mật độ trung bình ở mức từ 100 - 200 người/km2, thì mật độ dân số của Hà Nội là quá cao (khoảng 2.100 người/km2 - khu vực trung tâm có mật độ cao nhất). Theo dự báo của Viện Dân số và các vấn đề xã hội, đến năm 2050, dân số Hà Nội có thể tăng lên gấp đôi, tương đương khoảng trên 14 triệu người. Với tốc độ tăng trưởng dân số như vậy, Thủ đô đang phải chịu áp lực rất lớn trên mọi lĩnh vực. |