Hà Nội trong trái tim mỗi người

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm nay (10/10/2011), UBND TP sẽ vinh danh 10 công dân ưu tú của Thủ đô năm 2011 trong Lễ kỷ niệm 57 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

10 công dân ưu tú, mỗi người một cách thể hiện tình yêu Hà Nội và một cách góp sức xây dựng Thủ đô, dù có thể họ không sinh ra ở Hà Nội. Nhân dịp này, báo Kinh tế & Đô thị xin giới thiệu ba trong số 10 công dân Thủ đô tiêu biểu năm 2011, đó là nhạc sĩ Phạm Tuyên; Nhà nghiên cứu Giang Quân; Nhà giáo Nhân dân, GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu.

 
Nhạc sĩ Phạm Tuyên:
"Cố gắng thúc đẩy sự  phát triển của phong trào khuyến nhạc Hà Nội"
 

Hà Nội trong trái tim mỗi người - Ảnh 1

Những nốt nhạc về Hà Nội gắn với tên nhạc sĩ Phạm Tuyên "Có một mùa thu Hà Nội", "Hà Nội những đêm không ngủ", "Hát dưới trời thu Hà Nội"… làm xao động trái tim những người dân Thủ đô. Một đời cầm bút viết nhạc, chưa bao giờ ông "bỏ quên" những cảm xúc về mảnh đất Thủ đô này, dù ông là người Hải Dương. Năm ngoái, ở tuổi 81, bài hát "Có một mùa thu Hà Nội" của ông còn đoạt giải của cuộc thi sáng tác về 1.000 Thăng Long - Hà Nội. Thế nhưng, khi nghe tin mình có tên trong danh sách 10 công dân ưu tú của Thủ đô 2011, ông vẫn khiêm tốn và bình dị: "Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ được tôn vinh, bởi vì thế hệ của tôi có nhiều nhạc sĩ sáng tác về Hà Nội nhiều và hay hơn. Có thể, mọi người đánh giá thành tựu của tôi ở những đóng góp cho đời sống âm nhạc Hà Nội trong thời gian tôi giữ cương vị Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội".

Với gia tài đồ sộ hơn 500 ca khúc, Phạm Tuyên được đánh giá là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Những bài ca ông viết hào hùng, sôi nổi, có tác dụng cổ vũ kịp thời và có cả giá trị ghi dấu thời gian. Với những cống hiến của mình, ông đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Và hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2011 của ông đang được Hội đồng cấp Nhà nước xem xét tặng thưởng. Dù đã ở tuổi 82, nhưng ông vẫn được bầu chọn là Chủ tịch danh dự của Hội Âm nhạc Hà Nội. Ông chia sẻ: "Quĩ thời gian đối với tôi đang ngắn dần nên có thể sẽ không còn sáng tác được nhiều nhạc phẩm cho Hà Nội. Tuy nhiên, trong quyền hạn của mình tôi sẽ cố gắng thúc đẩy sự phát triển của phong trào khuyến nhạc Hà Nội".

Thanh Loan

Nhà nghiên cứu Giang Quân:

"Mong những điều tôi viết thấm dần…"

 Hà Nội trong trái tim mỗi người - Ảnh 2

Ngôi nhà nhỏ, nép trong ngõ nhỏ ở 274b Khâm Thiên mang cái không khí hòa nhã, bình dị như chính cuộc sống và phong thái của nhà nghiên cứu đã bước sang tuổi 85 - nhà báo Giang Quân. Nói về danh hiệu Công dân ưu tú mà TP trao tặng năm 2011, ông không giấu niềm vinh dự tự đáy lòng: "Tôi cứ nghĩ tôi không phải là người Hà Nội gốc mà lại được TP vinh danh như thế, là một ưu ái đối với một con người đã có tình yêu Hà Nội tha thiết trong suốt cuộc đời viết báo, viết văn, nghiên cứu văn hóa dân gian". Ông sinh ra ở Hải Dương, nhưng đã có 62 năm sống ở Hà Nội. "62 năm ấy đem lại cho tôi sự hiểu biết về mảnh đất Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến này. Tôi đã học được ở con người Hà Nội sự hào hoa, phong nhã, nghĩa khí, chí khí Bắc Hà, lối sống, cách ứng xử, giao tiếp thanh lịch. Và cái đó cứ thấm dần cùng với tình yêu Hà Nội" - ông chia sẻ.

40 năm hoạt động trong ngành văn hóa thông tin Hà Nội, ông đi nhiều nơi, sưu tầm văn nghệ dân gian… nên đã tích lũy được kho tài liệu tương đối phong phú về con người và mảnh đất 1000 năm văn hiến Hà Nội. Với vốn ấy, ông đã viết được 30 cuốn sách về Hà Nội và gần 100 cuốn sách viết chung với các tác giả khác, phần lớn cũng về đề tài Hà Nội, kể cả Hà Nội ở miền Bắc và Hà Nội ở miền Nam, trong vùng kinh tế mới Lâm Đồng (nay là Lâm Hà). Mái tóc đã ngả màu sương, nhưng dường như trái tim và suy nghĩ nơi ông vẫn kiên trì và giàu lòng cho nét thanh lịch người Hà Nội: "Tôi nghĩ, Hà Nội là nơi tụ hội bốn phương, người đến từ tứ xứ đem đến cho Hà Nội những tinh hoa, nhưng đồng thời cũng đem theo những lối sống xô bồ, tùy tiện… của chốn kẻ quê, không thích hợp với đời sống đô thị. Cho nên tôi kiên trì trong việc nêu những nét đẹp văn hóa của người Hà Nội, từ những cử chỉ, ăn nói, giao tiếp ở trong nhà cho đến ngoài xã hội, hòng mong những điều tôi viết thấm dần, góp phần gìn giữ, phát huy nếp sống thanh lịch của người Hà Nội".

Nhật Anh

NGND, GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu:

"Cảm ơn mảnh đất  đã nuôi dưỡng tôi bằng nền văn hiến"

Hà Nội trong trái tim mỗi người - Ảnh 3

Đang miệt mài với nghiên cứu ứng dụng sợi thực vật (luồng, nứa) sản xuất polyme com-pô-zít thân thiện môi trường, ứng dụng cho chế tạo ôtô, NGND. GS -TSKH Trần Vĩnh Diệu rất vui khi nhắc đến danh hiệu "Công dân ưu tú Thủ đô năm 2011" được trao tặng: "Tôi luôn coi mình chỉ là một người làm khoa học đơn thuần, suốt đời miệt mài với những nghiên cứu, nay thật vui khi công sức của mình tiếp tục được công nhận".

Ông, một nhà hóa học hàng đầu Việt Nam, với 6 đề tài cấp Nhà nước, 5 dự án triển khai, tất cả đều được ứng dụng và mang lại lợi ích lớn về kinh tế và môi trường. Bắt đầu với công trình nghiên cứu chế tạo keo ghép đá tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau đó đeo đuổi chuyên ngành vật liệu polyme com-pô-zít ngót 50 năm qua, có lẽ vì thế mà bạn bè gọi đùa ông là "ông com-pô-zít". Khi kể về mình, GS Trần Vĩnh Diệu liệt kê rất đơn giản: "Tôi sinh năm 1938, quê ở Hà Tĩnh. Năm 1950 - 1951, được vào học tại trường Thiếu sinh quân Liên khu IV. Năm 1956, thi đậu khóa I, ngành Hóa, trường Bách khoa…. và đến nay, tôi vẫn luôn gắn bó với trường ĐH Bách khoa, với Hà Nội"... Người ta không thể quên ông khi nhắc tới các công trình nghiên cứu cốt sợi polyme com-pô-zít cho tranh sơn mài mảng lớn, chế tạo các panel com-pô-zít làm trần cho toa xe thế hệ 2... "Sản phẩm từ vật liệu polyme com-pô-zít dù được ứng dụng ở sân bay Nội Bài, nhà máy xe lửa Gia Lâm hay đâu đó thì cũng là đất nước mình cả thôi", ông cười bảo. Tuy vậy, những công trình mang dấu ấn GS Diệu  dành riêng cho Hà Nội cũng không phải là ít như sử dụng các hệ thống đổ rác bằng PC cho nhà cao tầng thực hiện tại cụm chung cư cao tầng B7-B10 Kim Liên, chế tạo gối cầu cao su cốt bản thép cho cầu qua sông Kim Ngưu, sử dụng compozit chế tạo dải phân cách và lan can phòng hộ, hệ thống cầu trượt cho Công viên Nước, chế tạo sơn bảo vệ bồn chứa rượu vang của Công ty Vang Thăng Long... Dẫu vậy, ông vẫn khiêm tốn: "Thực ra những đóng góp của tôi cho Hà Nội vẫn còn rất ít ỏi, tôi mong trong thời gian tới tiếp tục được góp một phần nhỏ bé để đưa khoa học công nghệ Hà Nội đến gần hơn cuộc sống. Tôi cảm ơn Hà Nội, mảnh đất đã nuôi dưỡng mình trong nền văn hiến lâu đời ấy, để mình được lớn lên, được học tập và được sống với niềm đam mê khoa học".

Hà Bình