Sứ mệnh lịch sử
Chúng ta đang bước vào một thế giới toàn cầu hóa khi đô thị cạnh tranh trực tiếp. Trước đây, đơn vị cạnh tranh là các nền kinh tế, hay nói cách khác là quốc gia, nay đơn vị cạnh tranh là các đô thị. Tuy nhiên, London (Anh) không cạnh tranh với Birmingham hoặc Manchester, mà là với New York (Mỹ) hay Paris (Pháp). Nếu cạnh tranh là tiêu chí để xem xét, thì Hà Nội phải cạnh tranh với những Thủ đô và thủ phủ trong khu vực như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia), Singapore, Hongkong... chứ không phải với đô thị trong nước.
Đô thị trong nước nên tìm cách phối hợp với nhau để phát huy thế mạnh, cạnh tranh dẫn đến chuyên môn hóa. Trong các vai trò chuyên môn hóa đô thị khác nhau ở châu Á và trên toàn thế giới như xuất khẩu tư bản, sản xuất gia công hay tri thức - tiện nghi, Hà Nội nên chọn làm Thủ đô của tri thức và tiện nghi dựa vào các sở trường. Nếu có công nghiệp phải thuộc loại công nghệ cao, không gây ô nhiễm.
Luận điểm nói rằng Canberra (Australia) hoặc Brasilia (Brazil) không cần lớn vẫn là Thủ đô hiệu quả, hoàn toàn không áp dụng được với Hà Nội, bởi các TP này được thiết kế và ấn định từ đầu làm trung tâm chính trị – văn hóa. Hà Nội là TP hình thành qua hàng ngàn năm và có tất cả chức năng khác ngoài việc là trung tâm chính trị – văn hóa. Ngăn Hà Nội trở thành một TP đầy đủ chức năng, bắt nó phải “độc canh”, phải chăng là “gọt chân cho vừa giày”?
London và Bangkok, hai TP "hạng nặng" (có hệ số urban primacy thuộc loại rất lớn - hệ số đo bằng tỷ lệ dân số của TP lớn nhất chia cho dân số TP tiếp theo) lại nằm trong số các Thủ đô thành công, xét theo vị trí của chúng trong mạng lưới đô thị toàn cầu. Đó là vì các đô thị, sau một thời gian dài bị coi là “ăn bám”, nay bỗng trở thành “động lực phát triển” dựa trên tác động của cạnh tranh đô thị. London đang theo sát nút, thậm chí có thể vượt New York như trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất. Bangkok nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á về du lịch - dịch vụ.
Không phải cứ đô thị lớn là quản lý kém, đô thị nhỏ thì quản lý tốt. Quản lý tốt thường có mặt ở các đô thị thành công (sức cạnh tranh cao, thu nhập cao tương ứng) với chính quyền địa phương có trình độ quản lý thích hợp. Như vậy, Hà Nội mở rộng địa giới để tăng sức cạnh tranh quốc tế như một đô thị, đất đai mở rộng là để làm tất cả những gì phục vụ mục đích này.
Năm 2008, Quốc hội đã đưa ra quyết sách mang tính lịch sử, đó là việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Hà Nội mở rộng sẽ làm giàu thêm cho chính mình bằng sự đa dạng văn hóa của các địa phương. Mỗi nền văn hóa đều có thời cực thịnh mà tác động của nó xác định vị trí các dân tộc trong lịch sử thế giới một cách bền vững hơn cả sức mạnh kinh tế và quân sự. Không phải ngẫu nhiên, “thời hoàng kim” được công nhận của các nền văn hóa trên thế giới đều xảy ra tại đô thị - Thủ đô.
Ở châu Âu, theo trình tự lịch sử, Athens (500 – 400 trước CN), Florence (1400 – 1500), London (1570 – 1620), Vienna (1780 – 1910), Paris (1870 – 1910), Berlin (1918 – 1933) là ví dụ nổi trội. Gần chúng ta hơn Bắc Kinh, Kyoto, Thăng Long - Hà Nội đều đã có những thời huy hoàng góp phần đưa đô thị này đến vị trí cao vào những thời điểm nhất định.
Tư duy mới về phát triển đất nước
Có thể khẳng định, quyết định mở rộng Thủ đô thể hiện tư duy mới về sự phát triển đất nước của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Ngay gần chúng ta, trong một nỗ lực tạo nên sức cạnh tranh dựa trên công nghệ thông tin để đuổi kịp Trung Quốc đang vượt trước về kinh tế khoảng 10 năm, Ấn Độ đang hoạch định một hành lang phát triển, hay còn gọi một siêu vùng đô thị, trải dài hàng trăm cây số.
Một vài mục đích thường được đưa ra xem xét như tăng sức mạnh kinh tế của TP; có đủ đất hoàn thiện các chức năng còn yếu hoặc chưa có (vành đai xanh, các khu giãn dân, các khu đô thị sinh thái, khu công nghệ cao, khu xử lý chất thải môi trường...). Đồng thời việc này nhằm mục đích xây dựng Thủ đô hoành tráng, cạnh tranh thành công với các đô thị tương tự trong khu vực.
Hà Nội của tương lai không chỉ là một đô thị - Thủ đô có sức cạnh tranh. Ngoài chức năng là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, đối ngoại, Hà Nội còn phải là một trung tâm văn hóa lớn. GS Peter Hall ở Đại học Tổng hợp London, tác giả cuốn “Các đô thị trong nền văn minh”, đã tổng kết những nguyên nhân chính tạo ra thời hoàng kim của các đô thị - Thủ đô như sau: Kinh tế đô thị phát triển; Sự tài trợ hào phóng cho sáng tạo văn học nghệ thuật; Sự bứt phá của nền văn hóa bản địa, cộng với sự giao lưu truyền thống văn hóa từ các địa phương bên ngoài.
Việc hội tụ bản sắc văn hóa khác nhau đã giúp các đô thị - Thủ đô nâng cao tầm vóc đời sống tinh thần của mình và cống hiến những tác giả, tác phẩm thiên tài cho nhân loại. Tầm văn hóa này lại tạo ra lợi thế cạnh tranh nâng cao tiềm lực kinh tế đô thị.
Trung tâm chính trị đa chức năng
Nhìn lại lịch sử hình thành các đô thị đóng vai trung tâm chính trị - hành chính và Thủ đô đa chức năng cho thấy, chưa có bằng chứng một TP - Thủ đô nào, trong điều kiện bình thường, lại đang từ một đô thị đa chức năng thành công mà đi từ bỏ năng lực về cạnh tranh kinh tế để chỉ là một trung tâm chính trị - hành chính (Thủ đô) đơn thuần. Bởi việc ấn định một TP nào đó làm Thủ đô thì dễ hơn rất nhiều so với việc xây dựng một đô thị đa chức năng thành công. Nói cách khác, một đô thị thành công, tức là có khả năng cạnh tranh kinh tế cao nhưng một TP chỉ có chức năng chính trị - hành chính thì không chắc có thể cạnh tranh.
Sự thành công của một đô thị, cũng như một con người, không bao giờ là ngẫu nhiên. Chúng ta đã đồng thuận cao khi chuyển sang kinh tế thị trường, đương nhiên nhanh đến mức nào lại là chuyện khác. Hà Nội ngay từ lúc mới thành lập, đã là một TP đa chức năng có thể nói là thành công, nếu không nó đã phải mai một. Ban đầu hệ thống giao thông đường thủy thuận tiện dựa vào sông Hồng đã làm thương mại – giao dịch phát triển, khiến các ngành dịch vụ, thủ công truyền thống đóng một vai trò quan trọng. Kết quả của công cuộc công nghiệp hóa từ năm 1954 đã đưa Hà Nội từ TP tiêu thụ thành TP sản xuất.
Quan sát hướng chuyển động cơ cấu kinh tế của Hà Nội cũng như của các dòng vốn FDI liên quan đến công nghệ cao, các cơ sở nghiên cứu triển khai (R&D) với các khu vực lân cận (Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc), căn cứ vào tài nguyên con nguời sẵn có, ta thấy rằng mục tiêu hướng Hà Nội đến mô hình một đô thị - Thủ đô của tri thức, tiện nghi là hoàn toàn hiện thực.
Mục tiêu này, với các đặc trưng sử dụng không gian của nó trong tương lai nhìn thấy được, không mâu thuẫn với chức năng chính trị - hành chính của Hà Nội. Ngược lại, các chức năng chính trị - hành chính, hay nói cách khác là vị thế Thủ đô của Hà Nội, sẽ góp phần làm cho mô hình này được bổ sung thêm những chức năng mới, phù hợp với xu thế thời đại, đồng thời có sức cạnh tranh lớn hơn.
Hiện nay, Hà Nội là một đầu mối kinh tế - giao dịch, văn hóa, khoa học công nghệ và giao thông quan trọng nhất nước. Trong các chức năng khác như giáo dục - đào tạo chẳng hạn, Hà Nội chiếm đến 62% cơ sở giáo dục đại học của cả nước, đây chính là tiền đề phát triển kinh tế tri thức. Thủ đô đa chức năng, có sức cạnh tranh cao là xu thế phát triển tất yếu.