Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tự tin bước vào năm 2019

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến 2018 là năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, Hà Nội hoàn thành 20/20 chỉ tiêu, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đây chính là nền tảng vững chắc để TP tự tin bước sang năm 2019.

Một năm nhiều việc được triển khai

Thực hiện chủ đề: “Nâng cao hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị”, ngay từ đầu năm 2018, các ngành, các cấp của TP đã đổi mới phương thức hoạt động theo hướng sâu sát, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả. Với tinh thần quyết liệt và nhiều sáng tạo trong điều hành, bằng nhiều giải pháp cụ thể, Hà Nội đã đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Điểm nhấn trong năm 2018 là môi trường kinh doanh của Hà Nội được cải thiện mạnh mẽ nhờ kết quả cải cách hành chính, tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, DN đã giúp Hà Nội thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Con số thống kê cho thấy, tổng vốn đầu tư xã hội ước thực hiện 340,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6%. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 6,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cùng các đại biểu tham quan các gian hàng tại Hội nghị thượng đỉnh về các TP thông minh 2018. Ảnh: Công Hùng
Chỉ tính riêng tại hội nghị “Hà Nội 2018 - hợp tác đầu tư và phát triển”, Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 397.000 tỷ đồng (hơn 17 tỷ USD), trong đó có 11 dự án đầu tư nước ngoài số vốn 5,428 tỷ USD. Hà Nội cũng đã phát triển được hơn 25.700 DN, nâng tổng số DN trên địa bàn lên 255.280 DN, đây là mức tăng cao so với những năm trước. TP đẩy mạnh thực hiện mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện và các dịch vụ hỗ trợ DN; tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt xấp xỉ 100%, trong khi con số này của cả nước đạt 45%; đồng thời triển khai diện rộng quy trình trả kết quả đăng ký DN tại nhà/trụ sở. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục tăng, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành, cao nhất từ trước tới nay.

Đặc biệt, năm 2018, Hà Nội tiếp tục tập trung cho phát triển du lịch với nhiều sản phẩm được đưa vào phục vụ người dân và du khách. Từ lễ hội văn hóa, ẩm thực tại khu vực không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ, đến các tuyến buýt du lịch 2 tầng “Hà Nội City tour Hop on - Hop off”; không gian bích họa phố Phùng Hưng… Nhờ đó, khách du lịch đến Hà Nội tăng 93,% (26,04 triệu lượt), trong đó khách quốc tế 5,74 triệu lượt, tăng 16%. TP đã về đích trước 2 năm chỉ tiêu thu hút khách du lịch quốc tế (5,7 triệu lượt vào năm 2020).
 
Nhờ quyết liệt chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới, TP có thêm 4 huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới (Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ) và 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới đạt chuẩn lên 324 xã (83,9%) - về đích sớm 2 năm do với Nghị quyết HĐND TP. Đồng thời, xây dựng 126 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 118 mô hình liên kết trong sản xuất; xây dựng được các chuỗi tiêu thụ sản phẩm của các hộ nông dân…

Bước tiến mới về chất lượng đô thị

Cùng với kinh tế, lĩnh vực quản lý đô thị cũng khởi sắc khi nhiều công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng hoàn thành như cầu vượt An Dương, giai đoạn 1 đường trục phía Nam, cầu Văn Lang, đường Hòa Lạc - Hòa Bình; khởi công xây dựng đường Vành đai 2 Cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở… Văn minh đô thị của TP chuyển biến rõ nét khi hệ thống cây xanh, thảm cỏ, các công viên, vườn hoa, chiếu sáng thực hiện theo yêu cầu kỹ, mỹ thuật tiên tiến. TP đã đổi mới toàn diện công tác duy tu, duy trì hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh, dải phân cách theo hướng hiện đại, giảm công chăm sóc, tăng độ phủ cây xanh. Đáng chú ý, chương trình “Một triệu cây xanh” đã nhận được sự tham gia xã hội hóa của nhiều đơn vị, tổ chức, dự kiến đến hết năm 2018 cơ bản hoàn thành, về đích sớm 2 năm so với mục tiêu.

Một điểm nhấn trong năm 2018 là các dự án cấp nước sạch được đẩy nhanh tiến độ đã giúp nâng tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước sạch lên xấp xỉ 100%; khu vực nông thôn dự kiến đạt 55,5%, vượt kế hoạch là 55%. Trong đó, TP đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước (11 dự án phát triển nguồn; 23 dự án phát triển mạng). Đồng thời, hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 2 dự án phát triển nguồn (Nhà máy nước Bắc Thăng Long và Nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1) và 2 dự án khác dự kiến hoàn thành trong năm 2018 (trạm Dương Nội và Dự án nước sạch sông Đà). Trong đó, nhà máy nước mặt sông Đuống - dự án cung cấp nước sạch có quy mô lớn nhất miền Bắc, khi đi vào vận hành đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân, tại 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực Đông Bắc và phía Nam Hà Nội và một số vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên) với tiêu chuẩn nước uống tại vòi thực sự là một sự kiện đáng nhớ.

Vấn để xử lý ô nhiễm môi trường khi nhiều cách làm, công nghệ mới được triển khai áp dụng khi TP đã đẩy nhanh tiến độ các dự án như hệ thống thu gom và xử lý nước thải Yên Xá, khu vực đô thị Quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây, trạm xử lý nước thải Đầm Bẩy - Hồ Tây,...). TP tổ chức quản lý, vận hành các trạm quan trắc tự động nước, không khí Nam Sơn, Sóc Sơn và các trạm quan trắc nước, không khí tự động; tiếp tục lắp đặt các trạm quan trắc mới. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý chất thải rắn bằng công nghệ tiên tiến. Đưa vào hoạt động 2 điểm nghiền phế thải xây dựng; hoàn thành đưa vào quản lý, vận hành trên 100 nhà vệ sinh công cộng bằng vốn xã hội hóa.

Tiến tới xây dựng thành phố thông minh

Năm 2018 cũng là năm Hà Nội có những bước tiến vượt trội trong ứng dụng CNTT trong điều hành và quản lý, hướng tới việc xây dựng TP thông minh. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã nói, xây dựng thành phố thông minh để mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ, nhằm từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Hà Nội đã ban hành kế hoạch với mục tiêu ưu tiên xây dựng Trung tâm điều hành thông minh, hệ thống giao thông thông minh và hệ thống du lịch thông minh và hiện đã và đang triển khai được một số hạng mục cụ thể.

Năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 8,56% (cách tính mới tăng 7,37%), cao nhất trong 8 năm gần đây. GRDP bình quân đầu người năm 2018 theo giá hiện hành đạt 4.080 USD/người, gấp 1,12 lần năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, với 21,6%, vượt khá xa so với tốc độ tăng của nhập khẩu (8,2%). Hà Nội thu ngân sách bằng 100,2% dự toán, với mức tổng thu ước đạt 238,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với thực hiện năm 2017. Tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 50,8%.

Trong lộ trình ấy, năm qua, Hà Nội đã có bước đột phá căn bản về ứng dụng CNTT theo hướng tổng thể, đồng bộ, gắn với mô hình chính quyền đô thị. Ứng dụng CNTT trong hỗ trợ người dân, DN, đến nay, trên một nền tảng thống nhất tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn, TP đã triển khai 386 dịch vụ công mức độ 3 và 170 dịch vụ công mức độ 4, chiếm hơn 30% tổng số dịch vụ công của cơ quan hành chính TP và đến hết năm 2018, phấn đấu con số này đạt tỷ lệ 55%. Ðến nay, 100% đơn vị trong hệ thống chính trị TP đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; thực hiện các thủ tục hành chính trên hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến của TP Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành quy định về việc thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, DN, hợp tác xã có cung ứng dịch vụ công. Việc đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn giúp hoạt động các cơ quan, đơn vị minh bạch hơn. Theo kết quả xếp hạng mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (ICT index) năm 2018, do Bộ TT&TT và Hội Tin học Việt Nam công bố, Hà Nội xếp thứ ba cả nước; về chỉ số công nghiệp CNTT xếp thứ nhất.

TP cũng hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai. Về xây dựng dữ liệu cho cán bộ, công chức, hoàn thành việc xây dựng đề án vị trí việc làm và sắp xếp tổ chức bộ máy. 3 dữ liệu này sẽ làm nền cho Chính phủ điện tử.

Thêm thử thách, tăng quyết tâm

Những kết quả toàn diện trong năm 2018 là cơ sở vững chắc để Hà Nội tự tin bước vào năm bản lề 2019. Với mức tăng trưởng phấn đấu đạt từ 7,4% - 7,6% (theo cách tính mới), có thể thấy nhiệm vụ đặt ra cho TP trong năm tới là hết sức nặng nề, đòi hỏi tinh thần nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị với các giải pháp căn cơ, hiệu quả.
 Khách tham quan bên lề hội thảo về chính quyền đô thị diễn ra tại Hà Nội tháng 9/2018. Ảnh: Công Hùng
Từ những tiền đề đã có, hàng loạt giải pháp đã được TP đặt ra để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trong đó, tăng hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh, phấn đấu số DN thành lập mới tăng 12% trở lên trong năm tới. Riêng về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, TP cũng tiếp tục cải thiện các thành phần để nâng cao chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nâng cao hơn nữa năng lực phục vụ, tính công khai, minh bạch về thông tin thủ tục hành chính; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức.

Cùng với đó, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng quy mô vốn đầu tư xã hội (bao gồm đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư công) gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tập trung thu hút đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; các trung tâm thương mại, siêu thị; phát triển mạnh các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị...

Để hỗ trợ cho sự phát triển, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong điều hành của TP và hỗ trợ người dân, DN. Rà soát, rút gọn và đơn giản hóa các thủ tục hành chính; nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Từng bước hình thành các điều kiện để phát triển thành phố thông minh. Như lãnh đạo TP đã khẳng định: Hà Nội sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để tiếp tục nâng cao chỉ số PCI, PAPI. Tổ chức thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị sau khi được thông qua, ban hành. Triển khai Đề án xây dựng một số huyện (Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Đông Anh) thành quận vào năm 2020.

Bên cạnh đó, TP tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm, nhất là các tuyến đường sắt, đường vành đai… Chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ tổ chức các sự kiện quan trọng dự kiến tổ chức trên địa bàn vào năm 2019 và các năm tiếp theo như Giải đua thuyền Hồ Tây; Hội nghị cấp cao ASEAN 2020; Giải đua xe công thức 1; Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31)…

Có thể nói rằng, những kết quả năm 2018 đã phản ánh rõ nét nỗ lực, quyết tâm của toàn TP với phong cách lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt và hiệu quả, đề cao trách nhiệm cá nhân và vai trò nêu gương của người đứng đầu. Và với những thành tựu rất đáng tự hào ấy, TP Hà Nội bước vào năm 2019, năm tăng tốc chuẩn bị về đích đầy tự tin.

Năm 2019, phấn đấu đạt cao nhất 22 chỉ tiêu

Năm 2019, TP đặt ra 22 chỉ tiêu cần thực hiện (có 2 nhóm chỉ tiêu mới về BHXH bắt buộc và tự nguyện). Trong đó, có những chỉ tiêu quan trọng như mức tăng trưởng kinh tế đạt 7,4 - 7,6%; vốn đầu tư xã hội tăng 10,5 - 11% (theo cách tính mới); giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 7,5 - 8%; tỷ lệ hộ dân ở khu vực thành thị sử dụng nước sạch đạt 100%, ở nông thôn đạt 69%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 88,2%; tăng thêm 30 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ rác thải thu gom và vận chuyển trong ngày ở khu vực đô thị đạt trên 98%, ở khu vực nông thôn đạt 90%; tăng thêm 100 trường công lập đạt chuẩn quốc gia…