Hà Nội từng bước xóa sổ bếp than tổ ong

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/11, Sở TN&MT Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hướng dẫn triển khai Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND TP”, nhằm thực hiện nghiêm túc việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn TP.

Quyết tâm loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn TP.
Giảm 59,5% số lượng bếp than tổ ong
Trong nhiều năm qua, việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt hàng ngày của một bộ phận người dân và các hộ kinh doanh dịch vụ đã gây ra những tác động xấu đến môi trường không khí do phát sinh bụi mịn PM 2.5, khí CO, CO2, SO2, tác hại trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng và cộng đồng dân cư, không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Từ năm 2016 cho đến nay, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã liên tục triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác động, tìm kiếm các giải pháp thay thế bếp than tổ ong… đạt được những kết quả nhất định. Theo số liệu của Sở TN&MT Hà Nội, tính đến tháng 10/2019 trên địa bàn TP đã giảm được 59,5% số lượng bếp than tổ ong so với năm 2017, số bếp hiện tại chỉ còn 22.111 (năm 2017 là 55.000 bếp).
Ngày 30/10/2019, Chủ tịch UBND TP đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn TP. Trong đó, giao cho Sở TN&MT và các sở, ban ngành, các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, xác định lộ trình và giải pháp quản lý, chế tài xử lý cũng như chính sách hỗ trợ, đảm bảo đến 31/12/2020 chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất và sử dụng than tổ ong.
Chia sẻ về những kết quả và kinh nghiệm đã đạt được, đại diện Phòng TN&MT quận Hoàn Kiếm cho biết, quận giảm được 65,5% số lượng bếp than tổ ong. Các phường trên địa bàn đã xây dựng kế hoạch với chỉ tiêu xóa bỏ bếp than tổ ong, lãnh đạo cập nhật thường xuyên tình hình trên zalo và tổ chức họp giao ban báo cáo. Ngoài ra, tổ chức các buổi truyền thông về tác hại của bếp than tổ ong đến từng phường, đồng thời tuyên truyền cho học sinh THCS và tiểu học trên địa bàn quận. Tuy nhiên, do giá thành đun than rẻ và thói quen của người sử dụng, cộng với việc tuyên truyền chưa đầy đủ, thiếu quyết liệt trong công tác triển khai của các đơn vị sở tại nên hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn.
Cả cộng đồng cùng chung tay
Theo kế hoạch thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong và bếp than tổ ong trên địa bàn TP, từ ngày 31/10 - 31/12/2019 tổ chức tuyên truyền về chủ trương của TP loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ. Từ 31/10/2019 - 31/12/2020 thực hiện các biện pháp chuyển đổi từ sử dụng than và bếp than tổ ong sang các loại bếp khác thân thiện với môi trường. Đồng thời thực hiện hiệu quả các giải pháp quản lý và kiểm soát, chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong. Từ ngày 1/1 - 31/12/2021 nghiên cứu, áp dụng chế tài xử phạt cho các hành vi sử dụng bếp than trên địa bàn TP.
Với lộ trình và chương trình hành động cụ thể như trên, nhiều ý kiến cho rằng, đây thực sự là cam kết mạnh mẽ, với quyết tâm cao của chính quyền TP nhằm đảm bảo môi trường Thủ đô. Tuy nhiên, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông cho rằng, để triển khai đồng bộ, hiệu quả, tiến tới loại bỏ toàn bộ bếp than tổ ong trên địa bàn TP theo lộ trình cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của người dân, sự đồng hành của các tổ chức trong nước và quốc tế...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần