Ngày 8/11, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” giai đoạn 2007 - 2017, đánh giá 1 năm thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” năm học 2016 - 2017.
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà khẳng định: Từ cuộc vận động đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo tận tụy với công việc, tâm huyết với nghề, có lòng nhân ái, yêu thương giúp đỡ học sinh, đồng nghiệp đã được các thế hệ học trò tin yêu, quy trọng, xã hội tôn vinh.
Đó là những gương mặt nhà giáo tiêu biểu trong cuộc vận động “Nhà giáo Hà Nội giúp đỡ học sinh có khó khăn” đã khơi dậy phẩm chất cao quý vốn có của cán bộ giáo viên, nhân viên nêu cao tấm lòng nhân ái, giúp đỡ chia sẻ, động viên các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.
Các hoạt động nhân đạo, từ thiện cũng được các nhà giáo đặc biệt quan tâm. Nổi bật là phong trào hưởng ứng cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”. Không chỉ thế, mỗi năm học, ngành GD&ĐT Hà Nội đã hỗ trợ 12 ngành GD&ĐT các tỉnh khó khăn trên 3 tỷ đồng. Các trường học tích cực triển khai những hoạt động thiện nguyện nhằm giúp đỡ sẻ chia những giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo. Cũng từ cuộc vận động này, 10 năm qua, toàn ngành giáo dục Thủ đô đã có 110 nhà giáo Hà Nội được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”. Họ là những tấm gương tiêu biểu luôn đi đầu trong các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, hết lòng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Tỉ lệ giáo viên đạt trên chuẩn ở các cấp học cũng được nâng lên. Cụ thể, đến năm học 2016 - 2017, Hà Nội có 63,5% giáo viên mầm non đạt trên chuẩn, tương tự tiểu học 92,6%, THCS 79,4%, THPT 28,6%, TCCC 58,1%. Phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) ngày càng được đẩy mạnh và phát triển cả về số lượng, chất lượng. Nhiều SKKN có giá trị được phổ biến, áp dụng trong thực tế giảng dạy. Đã có 102 SKKN được UBND TP tặng Bằng khen “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”.Phong trào tự làm đồ dùng dạy học được các nhà trường triển khai thường xuyên. Tại triển lãm trưng bày và thi đồ dùng dạy học tự làm của TP năm 2009, 2012, 2015 đã có 15.108 sản phẩm dự thi cấp cụm, quận, huyện; 1.026 sản phẩm tiêu biểu dự thi cấp TP và 973 sản phẩm đạt giải cấp TP.Đánh giá cao những kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện vận động “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định: Có thể nói, cuộc vận động đã thực sự mang lại sức sống hết sức ý nghĩa trong các nhà trường. Giáo dục đào tạo Thủ đô tiếp tục có nhiều bước tiến bộ vượt bậc, nhiều thành tích rất ấn tượng. Học sinh giỏi trong các kỳ thi tiếp tục tăng về số lượng và chất lượng. Năm 2017, Hà Nội đứng đầu toàn quốc kỳ thi THPT Quốc gia với tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 99,36% và 85% em đạt từ 15 điểm trở lên. “Để có kết quả đó là sự cống hiến bền bỉ của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các nhà trường”- ông Dũng khẳng định.Tuy nhiên, đây đó trong ngành giáo dục vẫn còn có hình ảnh đáng phê phán, làm xấu đi nét đẹp của đội ngũ giáo viên Thủ đô. Vì thế, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị thời gian tới toàn ngành và các nhà trường làm tốt 3 nội dung. Thứ nhất, tiếp tục làm tốt việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên, chuẩn bị tốt nhất cho công tác triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Thứ hai, chú trọng nâng cao phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, xây dựng nhà giáo mẫu mực. Thứ ba, các nhà trường, thầy cô giáo quan tâm đến việc xây dựng môi trường học tập mô phạm, tất cả vì học sinh thân yêu.Tại sự kiện này, rất nhiều nhà giáo được trao tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội, Công đoàn giáo Việt Nam và Giấy khen của Sở GD&ĐT Hà Nội...