Hà Nội tuyên dương, khen thưởng sau SEA Games 31: Sự động viên kịp thời

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội vừa đưa các mức tuyên dương, khen thưởng vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) Hà Nội đạt thành tích tại SEA Games 31. Đây là nguồn động viên rất lớn đối với những đóng góp cho thể thao nước nhà nói chung và Thủ đô nói riêng.

Hà Nội chi 17,4 tỷ đồng khen thưởng

Ngày 24/5, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã xem xét và đồng ý về chủ trương tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) Hà Nội đạt thành tích tại SEA Games 31. Cụ thể, các VĐV, HLV có thành tích sẽ được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP kèm theo kinh phí tiền thưởng với mức dự kiến là 55 triệu đồng/HCV, 30 triệu đồng/HCB, 25 triệu đồng/HCĐ. Đối với HLV có VĐV đạt huy chương, mức khen thưởng bằng 50% so với mức khen thưởng VĐV. Ngoài ra, 124 VĐV, HLV đạt HCV được khen thưởng đột xuất theo quy định của HĐND TP với mức 4.500.000/người; 7 VĐV phá kỷ lục SEA Games mỗi người được thưởng 20 triệu đồng. Các VĐV còn được khen thưởng từ nguồn xã hội hoá với mức: 10 triệu đồng/HCV; 5 triệu đồng/HCB; 3 triệu đồng/ HCĐ.

VĐV đấu kiếm Bùi Thị Thu Hà nhận "thưởng nóng" ngay sau khi giành HCV cá nhân tại SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú.
VĐV đấu kiếm Bùi Thị Thu Hà nhận "thưởng nóng" ngay sau khi giành HCV cá nhân tại SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng khen thưởng cho Đoàn thể thao Hà Nội tham gia thành viên Đoàn thể thao quốc gia 3 tỷ đồng, trong đó tặng các VĐV, HLV, cán bộ quản lý, lãnh đạo 5.000.000đ/người (không tính các VĐV, HLV đã được khen thưởng các mức nêu trên). Tổng số tiền thưởng dự kiến được trao cho các Đoàn thể thao Hà Nội tại lễ tuyên dương là hơn 17,4 tỷ đồng.

Ở kỳ SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà, Hà Nội còn đóng góp 332/1.341 thành viên Đoàn thể thao Việt Nam bao gồm 5 cán bộ đoàn, 2 lãnh đội, 68 HLV và 257 VĐV. Trong đó, thể thao Hà Nội tham dự thi đấu ở 36/40 môn tại Đại hội, đóng góp tổng cộng 151 huy chương, trong đó có 62 HCV, 35 HCB, 54 HCĐ. Tổng số huy chương và số HCV mà các vận động viên Thủ đô đóng góp đều chiếm hơn 30% tổng số huy chương và HCV của Đoàn thể thao Việt Nam.

Tại SEA Games 30 diễn ra vào năm 2019, Hà Nội đã đóng góp 24,65% tổng số VĐV và là địa phương đóng góp nhiều huy chương nhất với tổng số 87 huy chương, trong đó có 34 HCV, 27 HCB và 26 HCĐ. Mức thưởng cho các VĐV sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại SEA Games 30 với HCV cá nhân là 55 triệu đồng, HCB là 30 triệu đồng, HCĐ là 25 triệu đồng. Đối với HLV và các tập thể đạt huy chương, mỗi cá nhân được nhận mức thưởng tiền bằng 50% mức thưởng cá nhân đạt giải tương ứng và tổng số tiền thưởng cho HLV, VĐV đạt huy chương của Hà Nội tại SEA Games 30 là 6 tỉ 225 triệu đồng. Đặc biệt, số tiền thưởng này sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân của HLV, VĐV đạt huy chương.

"Tiếp sức" đúng thời điểm

Theo kế hoạch dự kiến, TP Hà Nội sẽ tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng các HLV, VĐV Hà Nội đạt thành tích tại SEA Games 31 và hội nghị tổng kết, khen thưởng tập thể, cá nhân trong công tác tổ chức phục vụ SEA Games 31vào sáng ngày 27/5. Trong số các môn thi đấu, ngoài 2 tấm HCV từ môn bóng đá nam và nữ, VĐV Hà Nội đã đoạt nhiều huy chương vàng ở các môn thể thao mũi nhọn như bộ môn Wushu (8 HCV), vật (8 HCV), Đua thuyền (5 HCV), Đấu kiếm (4 HCV), Cờ (4 HCV), Thể dục Dụng cụ (3 HCV), Bắn súng (3 HCV), Lặn (3 HCV), Điền kinh (2 HCV), Bóng ném (2 HCV), Karate (2 HCV), Judo (2 HCV), Khiêu vũ thể thao (2 HCV)…

Nhà vô địch trên đường chạy 800m nữ tại SEA Games 31 Khuất Phương Anh. Ảnh: Ngọc Tú.
Nhà vô địch trên đường chạy 800m nữ tại SEA Games 31 Khuất Phương Anh. Ảnh: Ngọc Tú.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nhà vô địch trên đường chạy 800m nữ tại SEA Games 31 Khuất Phương Anh cho biết, phấn đấu giành được thành tích cao trong sự nghiệp, mang vinh quang về cho Tổ quốc là niềm tự hào đối với các VĐV chuyên nghiệp, các VĐV có thành tích cao cũng đã được “thưởng nóng” ngay tại sân thi đấu.

“Những phần thưởng cho VĐV sau mỗi kỳ Đại hội là nguồn động lực lớn cho mỗi cá nhân, phần nào thể hiện sự quan tâm của Nhà nước. Từ đó tạo thêm động lực cho các VĐV cố gắng tập luyện và thi đấu để đạt thành tích cao hơn trong mỗi giải đấu” – VĐV Khuất Phương Anh chia sẻ.

Thực tế, nhiều VĐV đã lựa chọn theo thể thao để phần nào trang trải cuộc sống gia đình, bởi không ít VĐV có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chắc hẳn người hâm mộ chưa quên hoàn cảnh khó khăn của gia đình VĐV điền kinh Phạm Thị Thu Trang ở nội dung đi bộ tranh thủ chạy xe ôm công nghệ giúp đỡ gia đình nhưng giành tấm HCV tại SEA Games 30.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông anh chị em, bố mẹ lại làm nông vất vả, nên tôi tranh thủ chạy Grab sau giờ tập luyện, không ảnh hưởng đến chuyên môn. Hy vọng sau này khi tôi đạt thành tích tốt hơn và đủ điều kiện giúp đỡ bố mẹ, thì sẽ không phải chạy xe nữa" – Thu Trang chia sẻ sau khi giành HCV tại SEA Games 30.

Đồng cảm với những hoàn cảnh vượt khó trong thể thao, HLV trưởng đội đấu kiếm Việt Nam Phạm Anh Tuấn thừa nhận ngoài việc cống hiến cho thể thao nước nhà, những phần thưởng giúp các VĐV có thêm đồng ra đồng vào giúp đỡ gia đình.

“"Trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng", rõ ràng những phần thưởng của các VĐV là thành quả xứng đáng cho những gì các VĐV đã tập luyện và cố gắng. Dù nhiều hay ít đó cũng là động lực và giúp đỡ nhiều VĐV có thể trang trải thêm cho cuộc sống, vượt qua những khó khăn của gia đình. Đặc biệt, các gia đình sẽ yên tâm hơn khi để con em của mình tiếp tục theo đuổi đam mê và tiếp tục cống hiến cho thể thao nước nhà” – HLV Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần