Hà Nội: Tỷ lệ 116 bé trai/100 bé gái

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đây là số liệu được đưa ra tại lễ Mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7, với chủ đề “Mang thai ở tuổi vị thành niên”, do UBND TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ phối hợp với huyện Sóc Sơn tổ chức sáng nay (11/7).

Đây cũng là chủ đề được Quỹ Dân số Liên hợp quốc phát động trên toàn cầu nhằm tập trung sự quan tâm, phối hợp hành động giữa các quốc gia, các tổ chức và cộng đồng quốc tế. Đồng thời, kêu gọi trẻ vị thành niên (VTN) và thanh niên cần phải được giáo dục giới tính toàn diện và phù hợp để các em có kiến thức, kỹ năng và phương tiện để tự bảo vệ mình.
 
Hà Nội: Tỷ lệ 116 bé trai/100 bé gái - Ảnh 1
Lực lượng thanh niên tham gia diễu hành hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7.
 
Trong những năm qua, Hà Nội luôn coi trọng công tác DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, từng bước nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước. Toàn thành phố duy trì mức sinh thay thế (bình quân mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có 2,08 con năm 2009; 2,06 con năm 2011). Các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, cải thiện sức khỏe sinh sản được duy trì và mở rộng ở tất cả 577 xã, phường, thị trấn. Trong 6 tháng đầu năm 2013, tình hình sinh và sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng giảm. Số sinh toàn thành phố là 55.200 (giảm 4.068 trẻ so với cùng kỳ năm 2012); số trẻ sinh là con thứ 3 trở lên 4.689 (giảm 201 trẻ so với cùng kỳ).
 
Hà Nội: Tỷ lệ 116 bé trai/100 bé gái - Ảnh 2
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại lễ mít tinh.
 
Do cơ cấu dân số trẻ nên hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao; tốc độ gia tăng dân số cơ học ở mức cao, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai vẫn đang là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. Năm 2012, tỷ lệ khi sinh của Hà Nội là 116 trẻ trai/100 trẻ gái, có giảm nhưng không bền vững. Tỷ lệ phá thai còn cao, bao gồm cả phá thai ở VTN và thanh niên. Tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai, mắc các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục ở VTN và thanh niên có xu hướng tăng....

 
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để công tác DS-KHHGĐ đạt hiệu quả cao, các cơ quan liên quan cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cùng sự chung tay của toàn xã hội, nâng cao nhận thức của mỗi gia đình trong công tác DS-KHHGĐ. Cung cấp thông tin cho các bậc cha mẹ có con ở tuổi VTN về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản an toàn. Các trường học cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống, cung cấp thông tin cụ thể về những vấn đề của tuổi mới lớn như tình yêu, tình dục, KHHGĐ, hôn nhân… từ đó các bạn trẻ được trang bị kiến thức, hiểu đầy đủ về sức khỏe sinh sản nhằm giảm bớt những nguy cơ dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho thế hệ trẻ.