Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Tỷ lệ đốt rơm rạ sau thu hoạch đã giảm

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 27/1, Sở TN&MT Hà Nội phối hợp Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng tổ chức Hội thảo “Quản lý rơm rạ trên địa bàn TP Hà Nội - Hiện trạng, thách thức và cơ hội”.

 Năm 2020, tình trạng đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng tại các huyện ngoại thành Hà Nội đã giảm đáng kể (Ảnh minh họa)
Phát biểu tại hội thảo, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) Mai Trọng Thái cho biết, đây là dịp để các sở, ngành, UBND các quận, huyện cùng chia sẻ các kết quả đạt được của Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 và bàn bạc giải pháp nhằm kiểm soát, quản lý các phụ phẩm nông nghiệp nói chung và rơm rạ nói riêng, phấn đấu không còn tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn TP trong những năm tiếp theo.
Theo kết quả kiểm kê phát thải do Sở TN&MT phối hợp với Trung tâm nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa đã tiến hành, tỷ lệ đốt rơm rạ giảm rõ rệt so với các năm trước. Cụ thể: Tỷ lệ (%) trung bình đốt rơm rạ vào vụ Đông Xuân chỉ còn 20% và  vụ Hè – Thu là 2,2%.
Theo kết quả khảo sát năm 2020 tại 14 quận, huyện, hiện nay, tỷ lệ đốt rơm rạ tại Hà Nội là 78,57%, trong đó huyện Ứng Hòa 15%, huyện Ba Vì 10%, huyện Mê Linh 30%, quận Nam Từ Liêm 20%, huyện Thanh Trì 5%... Tuy vậy, một số huyện đã không còn hiện tượng đốt rơm ra như huyện Phú Xuyên.
Nhiều ý kiến cho rằng phải giải quyết triệt để tình trạng đốt rơm rạ trong những năm tới (Ảnh: Hà Ánh)
Tại hội thảo, PGS. TS Phạm Quang Hà - Phó Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp cho rằng, để giảm triệt để việc đốt rơm rạ, ngoài các giải pháp chính trước mắt như tăng cường tuyên truyền vận động, tận dụng rơm rạ, hỗ trợ kinh phí chế phẩm sinh học…, cần thực hiện tốt giải pháp lâu dài là áp dụng mô hình khép kín và xử lý sau thu hoạch, phải có quy hoạch tổng thể, thay đổi cây trồng, vai trò của cây lúa.
Đặc biệt, giải pháp đưa ra phải đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân, sự tham gia của các nhóm cộng đồng. Trong đó, tất cả các hộ sản xuất trồng trọt đăng ký hình thức xử lý phế phủ phẩm trước khi gieo trồng, bảo đảm không đốt rơm rạ. Cán bộ cấp thôn, làng, hợp tác xã thành lập tổ giám sát về việc thực hiện, cam kết. Đồng thời, các xã phải có những phản ánh kịp thời vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện đến UBND huyện…
Theo Chủ tịch Hội nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, quan trọng nhất là sự vào cuộc của toàn thể chính quyền địa phương, vai trò trách nhiệm của các ban ngành đoàn thể. “Ở Đan Phượng, chúng tôi xây dựng kế hoạch có phân nhiệm tất cả các bên tham gia, trong đó Hội nông dân là nòng cốt triển khai. Tăng cường tổ chức hội nghị, thúc đẩy truyền thông, hướng dẫn cho từng hộ gia đình và xử phạt nếu còn tình trạng đốt rơm rạ” - ông Thiều Văn Son cho hay.