Tới dự có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng T.Ư Đặng Thị Ngọc Thịnh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Chu Văn Yêm; Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng T.Ư, Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng T.Ư Trần Thị Hà; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn.
Đánh giá tại Hội nghị, ông Phùng Minh Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng TP, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng TP Hà Nội cho biết: 13 năm qua, có thể thấy TP Hà Nội đã tập trung nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước và chất lượng công tác thi đua, khen thưởng thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Luật Thi đua Khen thưởng và các văn bản chỉ đạo về thi đua, khen thưởng.Trong đó, nổi bật là việc ban hành, chỉnh sửa, bổ sung kịp thời quy định các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo đặc thù của TP phù hợp với điều kiện thực tiễn, như danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô”, “Công dân Thủ đô ưu tú”; khen thưởng các thành tích đột xuất; tổ chức cuộc thi viết về điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt và in sách Những bông hoa đẹp; triển khai Chương trình hành động về đổi mới công tác thi đua khen thưởng...Thông qua việc vận dụng sáng tạo, chỉ đạo quyết liệt và có nhiều đổi mới, của TP, công tác thi đua, khen thưởng đạt được nhiều kết quả; phong trào thu đua ngày càng thiết thực, hiệu quả; công tác khen thưởng đảm bảo chất lượng. Nhất là người lao động trực tiếp (từ cấp trưởng phòng sở, ban, ngành và tương đương trở xuống) được khen thưởng có tỷ lệ ngày càng tăng (đến năm 2016 khen cấp TP chiếm 90% số lượng cá nhân được khen thưởng). Trong đó, đã có cá nhân là nông dân, người lao động trực tiếp không làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn được đề xuất khen thưởng cấp Nhà nước (7 năm qua có 25 trường hợp, chiếm tỷ lệ 0,6% trong tổng số trường hợp được khen thưởng cấp Nhà nước toàn TP). Nhiều năm liền, Hà Nội được T.Ư đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước.
Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi đua, khen thưởng chưa được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm thường xuyên, còn thiếu các hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả. Các phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, một số đơn vị chưa coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, chưa tạo được sự phối hợp, liên kết của các ngành, địa phương và các cơ quan liên quan. Việc vận dụng và đề nghị mức hạng khen thưởng còn nhiều lúng úng, bình xét khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, cào bằng, mang tính luân phiên. Việc xét, công nhận lao động tiên tiến theo thẩm quyền cấp xã thực hiện chưa hiệu quả. Ngoài ra, công tác phát hiện, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa được quan tâm thường xuyên, việc bình chọn điển hình có nơi chưa thực sự chính xác, chưa có tác dụng nêu gương.Đồng thời, ông Phùng Minh Sơn cũng chỉ ra một số bất cập, hạn chế trong thi hành Luật Thi đua Khen thưởng sau 13 năm, nhất là Luật đã có 2 lần được sửa đổi, bổ sung và 2 lần thay đổi về tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Điều này thể hiện trong các nội dung về thi đua, quy định về xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, tổ chức bộ máy, quy trình, thủ tục hồ sơ xét khen thưởng; quỹ thi đua, khen thưởng, mức thưởng và chế độ ưu đãi; hướng dẫn thi hành luật. Từ đó, Hội đồng Thi đua Khen thưởng TP nêu ra các kiến nghị cụ thể để sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua Khen thưởng trong thời gian tới.