Như Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, “quyết tâm không để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng trong quá trình tổ chức bầu cử, không để lây nhiễm từ bên ngoài vào và không để lây nhiễm trong các điểm bầu cử”. Trên tinh thần đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã yêu cầu các địa phương, tổ chức phụ trách bầu cử có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền để cử tri nắm được và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch khi bầu cử. Tại các phòng bỏ phiếu hoặc địa điểm bỏ phiếu phải tạo lối đi, hành lang thông thoáng và có hướng dẫn cụ thể cho cử tri tham gia bỏ phiếu, đảm bảo khoảng cách khi nhận phiếu, ghi phiếu và bỏ phiếu; đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay, sát khuẩn trước và sau khi bỏ phiếu…
Vấn đề được nhiều người quan tâm là việc bỏ phiếu ở các khu vực cách ly y tế và tại địa phương có dịch bệnh phát sinh sẽ được thực hiện thế nào? Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, để đảm bảo quyền bầu cử của cử tri, kể cả người mắc Covid-19 đang điều trị hoặc những người đang được cách ly vẫn được ghi tên vào danh sách để thực hiện quyền bầu cử theo quy định của luật, trong Văn bản số 234, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Theo đó, trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử rà soát, kiểm tra kỹ danh sách cử tri, xác định cụ thể các cử tri thuộc trường hợp đang thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung, tại nhà cùng các trường hợp khác không thể đến phòng bỏ phiếu. Đến ngày bầu cử, tổ bầu cử cử người mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến cơ sở cách ly tập trung hoặc nơi ở, nơi lưu trú của cử tri đang được cách ly để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bỏ phiếu.
Việc phát phiếu bầu cử, bỏ phiếu sẽ được thực hiện theo đúng quy định, đồng thời đảm bảo các biện pháp phòng dịch. Sau khi cử tri hoàn thành việc bỏ phiếu, thành viên Tổ bầu cử phải thực hiện việc khử khuẩn hòm phiếu phụ và mang ngay hòm phiếu phụ về phòng bỏ phiếu theo quy định.
Trên cơ sở hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia và tình hình thực tiễn, các địa phương cũng đã xây dựng cho mình các kịch bản, phương án cụ thể cho từng nhóm đối tượng liên quan trong ngày bầu cử. Trong đó, hầu hết địa phương đều sẽ tiến hành phun khử khuẩn các địa điểm bầu cử cố định, kẻ vạch, bố trí bàn khai báo y tế, đo thân nhiệt, sàng lọc các cử tri có dấu hiệu ho, sốt, khó thở vào phòng cách ly tạm thời…Đối với các khu vực phong tỏa, khu cách ly tập trung, tổ bầu cử lưu động sẽ phối hợp với tổ y tế tại cơ sở hướng dẫn cử tri.
Tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Bầu cử thành phố yêu cầu bố trí lực lượng kiểm tra, hướng dẫn y tế và giám sát người tham dự; sắp xếp chỗ ngồi đảm bảo yêu cầu giãn cách, hạn chế tập trung đông người. Nếu địa điểm bỏ phiếu đang thực hiện giãn cách xã hội, đảm bảo giữ khoảng cách 2m giữa những người tham dự; ra vào một chiều. Bố trí thời gian bỏ phiếu và phân luồng từ xa phù hợp cho cử tri từng khu vực, điểm dân cư…
TP Đà Nẵng đã tiến hành diễn tập 4 tình huống bỏ phiếu cụ thể: Tại một khu vực bỏ phiếu cố định; cho hộ dân đang cách ly tại nhà; trong khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa hoặc giãn cách; cho bệnh nhân nghi ngờ, xác định mắc Covid-19. Trong đó, đều có những hướng dẫn rất cụ thể để phòng dịch. Theo lãnh đạo địa phương, trong trường hợp số người cách ly tăng lên, sẽ tăng cường lực lượng cơ sở, hòm phiếu phụ và thiết bị chống dịch để tiếp cận các khu vực cách ly, tổ chức bỏ phiếu theo đúng quy định.
Xây dựng kịch bản cho từng tình huốngTại Hà Nội, toàn thành phố có 4.831 khu vực bỏ phiếu, cùng với việc bảo đảm cơ sở vật chất khang trang, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường theo phương châm đề cao trách nhiệm người đứng đầu, sâu sát tới từng địa bàn, khu vực bỏ phiếu. Một số quận, huyện, thị xã linh hoạt tăng cường giải pháp phòng dịch như: Thực hiện khai báo y tế điện tử qua mã QR Code; bố trí phòng cách ly y tế...
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Ủy ban Bầu cử thành phố đã hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tổ chức điểm bỏ phiếu lưu động và xây dựng các kịch bản cho ngày bầu cử với 4 tình huống như: Thực hiện bầu cử tại một khu vực bỏ phiếu cố định tại các điểm bầu cử; tổ chức bầu cử cho những người đang thực hiện cách ly tại nhà; tổ chức bầu cử cho người đang thực hiện cách ly tại khu cách ly tập trung, bệnh viện, cơ sở y tế (Bệnh viện K, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2); tổ chức bầu cử trong khu cách ly tập trung, khu vực bị phong tỏa hoặc thực hiện giãn cách xã hội. MTTQ và Ủy ban Bầu cử cũng sẽ rà soát lại một cách chi tiết danh sách cũng như di biến động của cử tri đối với các khu vực như nhà ở công nhân, khu trọ sinh viên, trường đại học, nơi liên quan đến dịch bệnh (bệnh viện, khu cách ly, khu phong tỏa).
“Đối với các bệnh viện đang phong tỏa để điều trị Covid-19, hòm phiếu lưu động sẽ được đưa đến tận bệnh viện để cả bệnh nhân cũng được bỏ phiếu. Trong quá trình thực hiện, thành viên các tổ bầu cử phải được tập huấn rất kỹ cả về nghiệp vụ công tác bầu cử, kiến thức, quy định trong phòng chống dịch Covid-19, được trang bị đồ bảo hộ đúng quy chuẩn, khử khuẩn sau khi hoàn thành nhiệm vụ và phải tuyệt đối an toàn” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cũng cho biết, ngoài thực hiện nguyên tắc 5K tại các điểm bầu cử, Hà Nội sẽ có thêm các biện pháp phòng chống dịch tại nơi bầu cử và có phương án riêng đối với các điểm cách ly, phong tỏa. Tùy vào tình hình diễn biến của dịch, trước ngày bầu cử 5 ngày, Ủy ban Bầu cử thành phố sẽ có hướng dẫn chi tiết về việc tổ chức bầu cử giãn tiến độ cử tri đi bầu, phân theo khu vực, phân theo giờ để bảo đảm phòng chống dịch...
Để sẵn sàng các phương án phòng chống dịch cho ngày bầu cử 23/5, các quận, huyện của Hà Nội cũng tiến hành xây dựng các kế hoạch cụ thể, bám sát hướng dẫn của Trung ương và thành phố; đồng thời, triển khai việc rà soát, cập nhật biến động danh sách cử tri, do có nhiều người đã có thẻ cử tri nhưng không trở về được khu vực bầu cử của mình vì hạn chế đi lại. Trong trường hợp này, cử tri có thể đăng ký bầu cử ở khu vực bỏ phiếu mà họ đang có mặt.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài, tại 73 điểm bỏ phiếu của quận sẽ tạo lối đi, hành lang thông thoáng, kẻ vạch mềm và cử người hướng dẫn cụ thể cho cử tri tham gia bỏ phiếu đi theo hình thức một chiều; đồng thời, bảo đảm khoảng cách khi nhận phiếu bầu cử, ghi phiếu và bỏ phiếu; đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay sát khuẩn trước và sau khi bỏ phiếu...
Tại quận Cầu Giấy, ngoài đảm bảo các quy định an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình bỏ phiếu, quận cũng dự kiến cụ thể với từng kịch bản nếu xảy ra dịch. Trong đó, nếu có cơ sở phải cách ly và điều trị Covid-19 với số lượng ít, sẽ sử dụng hòm phiếu lưu động; trường hợp nhiều, quy mô lớn sẽ căn cứ vào quy định, hướng dẫn về bầu cử và tình hình diễn biến dịch để thành lập đơn vị bầu cử cho cơ sở này. Quận Ba Đình cũng đã xây dựng các phương án, kịch bản khi có dịch bệnh xảy ra trong dịp bầu cử theo từng cấp độ, trong đó có phương án tổ chức hòm phiếu lưu động đảm bảo đầy đủ yêu cầu phòng dịch…
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết, đã đề nghị mỗi khu bỏ phiếu cần chuẩn bị một phòng cách ly tạm thời để phục vụ nếu có vấn đề đột xuất dịch xảy ra. Quận tiếp tục phát huy vai trò của các tổ Covid cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân vào công tác phòng, chống dịch với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.
Hiện các đơn vị, địa phương cũng đang tiếp tục chuẩn bị các phương án, tuyên truyền đến từng gia đình, từng người dân về đảm bảo yêu cầu phòng dịch khi tham gia bỏ phiếu và cách thức bầu cử trong điều kiện có dịch xảy ra. Mục tiêu quan trọng nhất được hướng tới là tất cả các cử tri dù đang ở khu cách ly, điều trị Covid-19, y - bác sỹ, các lực lượng đang làm nhiệm vụ… đều được thực hiện quyền bầu cử. Tất cả các khâu phải tổ chức đúng pháp luật, tuyệt đối an toàn trong điều kiện hết sức phức tạp của dịch Covid-19.