Hà Nội: Ưu tiên các nghiên cứu khoa học ứng dụng trong ngành y tế

Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/9, Đoàn giám sát của Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Vũ Hồng Khanh, làm trưởng đoàn và các thành viên Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP đã có buổi giám về thực hiện Nghị quyết số 20 của Hội nghị TƯ 6 (khoá XI) về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) và Luật KH&CN tại Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, qua 2 năm triển khai Nghị quyết TƯ 6 khóa XI về phát triển KHCN và Luật KH&CN, các đơn vị trong ngành đã có hơn 1000 đề tài cấp cơ sở, 30 đề tài cấp TP, 7 đề tài cấp bộ và 4 đề tài cấp nhà nước tập trung vào các lĩnh vực điều trị, y tế dự phòng, ATVSTP, dân số kế hoạch hoá gia đình.
Trong lĩnh vực điều trị, các đề tài tập trung nghiên cứu, lựa chọn những kỹ thuật phương pháp chẩn đoán kỹ thuật mới tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị ở cơ sở y tế như sàng lọc trước và sau sinh tại bệnh viện (BV) phụ sản Hà nội, các phương pháp mổ tim hở tại BV tim Hà Nội, các phương pháp mổ nội soi xâm lấn tối thiểu tại trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hoá Hà Nội - BV Xanh Pôn.
 Chủ tịch UB MTTQ TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh phát biểu tại buổi giám sát Sở Y tế về kết quả thực hiện Luật KHCN
Chia sẻ thông tin, Thạc sỹ. Bs Nguyễn Đình Hưng- Giám đốc BV đa khoa Xanh Pôn cho biết, trong những năm gần đây, BV được TP quan tâm đầu tư, trang thiết bị và ứng dụng, chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến hiện đại, đạt tiêu chuẩn hàng đầu thế giới về khám chuẩn đoán, chữa bệnh đạt hiệu quả cao, như tầm kiểm soát ung thư; mổ nội soi 100% được gây mê….

BV cũng thu hút nhiều chuyên gia giỏi trong nước và quốc tế, thực hiện khám chữa bệnh; hàng năm, BV tổ chức hội thảo quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, trong đó có nhiều báo cáo của BV được đăng tải trên các tạp chí y học uy tín trên thế giới…TS.Bs. Nguyễn Thị Kiều Anh- Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, các nghiên cứu KH của Trung tâm đã hướng vào các đề tài giám sát bệnh truyền nhiễm, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và điều trị cho người bệnh HIV, đề xuất các mô hình giải pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, ký sinh trùng, côn trùng, động vật gây hại… BS chuyên khoa II Nguyễn Lan Hương – Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn cho biết, BV chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, tới đây tiếp tục cử các ý, bác sỹ ra nước, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn…

Theo đại diện Sở Y tế, việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH kỹ thuật y học đã mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân trên địa bàn trong việc tiếp cận những phương pháp mới, kỹ thuật mới tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị, dự phòng… nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân. Sở Y tế Hà Nội kiến nghị, TP tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển KHCN trong lĩnh vực y tế, trong đó, ưu tiên thực hiện các nghiên cứu KH mang tính ứng dụng để nâng cao hiệu quả và chất lượng các hoạt động điều trị, y tế dự phòng; đồng thời, tạo lập môi trường thúc đẩy nghiên cứu KH, không hạn chế trong sáng tạo KHCN, khuyến khích mọi sự sáng tạo…

Đồng tình các kiến nghị, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Lê Ngọc Anh cam kết sẽ tham mưu cho TP để triển khai các đề tài ứng dụng KHCN của Sở Y tế đề xuất.

Trưởng đoàn Vũ Hồng Khanh đánh giá cao, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo, có định hướng các đơn vị coi nghiên cứu KHCN, là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết TƯ 6 khóa XI về KHCN và Luật KH&CN. Tuy nhiên, theo Trưởng đoàn Vũ Hồng Khanh, các đề tài nghiên cứu về nâng cao chất lượng khám, chuẩn đoán bệnh còn ít, mà đây là khâu rất quan trọng. Các Bệnh viện lớn có thương hiệu thường quá tải là vì chuẩn đoán bệnh tốt, đề nghị Sở Y tế, cần tập trung nghiên cứu ứng dụng trong khám chữa bệnh ở các bệnh viện cơ sở nhất là đối với các bệnh hiểm nghèo.

Để thực hiện, Sở Y tế cần quan tâm, xây dựng cơ chế đặt hàng nghiên cứu ứng dụng, chuyển gia công nghệ, áp dụng các kỹ thuật hiện đại trong khám chữa bệnh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết phối hợp với các trường đại học, các trung tâm khoa học lớn, phát huy các nguồn lực tại chỗ, để thực hiện mục tiêu trên. Đối với công tác y tế dự phòng cần làm tốt nghiên cứu dự báo để không lúng túng trong phòng chống dịch bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần