Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Ưu tiên sử dụng năng lượng điện mặt trời và điện rác

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025.

Theo kế hoạch, TP sẽ xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với đặc thù Thủ đô, tiến tới tự chủ một phần về nguồn cung ứng điện trên địa bàn. Ưu tiên sử dụng năng lượng điện mặt trời và điện rác cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, đánh giá chi tiết tiềm năng năng lượng điện mặt trời mái nhà và tác động đối với lưới điện phân phối; tiềm năng năng lượng gió, thủy điện trên địa bàn thành phố, đề xuất chiến lược phát triển các dạng năng lượng cho thành phố. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 1%, trong đó, tổng công suất nguồn điện năng mặt trời ước đạt khoảng 100MWp và điện rác khoảng 150MW phù hợp với tiềm năng, đặc thù của thành phố.
 

Hà Nội vừa ban hành kế hoạch Phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Ảnh minh họa

Để có thể thực hiện các được các mục tiêu trên, UBND TP đã ban hành đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích, sự cần thiết về phát triển các dự án điện rác và điện mặt trời trên địa bàn thành phố. Tổ chức hội thảo và diễn đàn trao đổi, phổ biến kinh nghiệm và khuyến nghị về quá trình xây dựng chính sách và nhân rộng mô hình phát triển…
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, TP sẽ xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu nền tảng trực tuyến về điện mặt trời nhằm hỗ trợ công tác quản lý, quy hoạch, giám sát, báo cáo và phát triển thị trường; lồng ghép với chương trình quản lý nhu cầu điện trên địa bàn thành phố. Xây dựng cơ sở dữ liệu về các hệ thống năng lượng mặt trời, cơ sở có hệ thống tích hợp lưu trữ năng lượng để phục vụ tối ưu hóa việc tham gia của khách hàng sử dụng điện trong các chương trình DSM/DR...
TP cũng sẽ triển khai các chương trình, dự án tài trợ thí điểm về đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật; thí điểm lắp đặt mô hình điện mặt trời mặt nước tại hồ Đồng Quan thuộc xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn); nghiên cứu, đánh giá tiềm năng điện mặt trời mái nhà và tác động đối với lưới điện phân phối; nghiên cứu, đánh giá tiềm năng năng lượng gió, thủy điện, điện sinh khối trên địa bàn thành phố; xây dựng, triển khai thực hiện đề án khuyến khích các hộ dân, nhà trường trên địa bàn thành phố tăng cường đầu tư, lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời.
Đáng chú ý, về cơ chế chính sách, TP sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù của thành phố nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời trên địa bàn thành phố. Nghiên cứu xây dựng quy định việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trụ sở cơ quan ban, ngành, UBND các cấp, công an các phường, các trạm y tế, trường học... để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố. Nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù của thành phố để hỗ trợ các trường học, hộ gia đình, cụm dân cư lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED có sử dụng hệ thống điện năng lượng gió hoặc điện mặt trời…