Hà Nội và những cây cầu

KTS. Phạm Thanh Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội “thay da đổi thịt” mỗi ngày. Những cao ốc hiện đại mọc lên, những con đường mới đưa vào sử dụng... nhưng, những cây cầu dường như lại ăn vào tâm khảm của mọi người sâu đậm hơn.

1.Lâu lắm rồi, vào cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, khi còn ở bậc tiểu học, lũ trẻ hàng phố chúng tôi đã thuộc lòng bài thơ về cầu Long Biên và thường nghêu ngao đọc những câu thơ giản dị, dễ nhớ như đồng dao ấy: 
“Hà Nội có cầu Long Biên/ Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng/ Tàu xe đi lại thong dong/ Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi…”.
 
Ngày đó, Hà Nội mới chỉ có mỗi cầu Long Biên bắc qua sông Hồng nối từ bến Bồ Đề (huyện Gia Lâm) với khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm). Đây là cây cầu bằng thép do người Pháp thiết kế và thi công. Qúa trình xây dựng có sự tham gia của 40 kỹ sư, đốc công người Pháp cùng hơn 3.000 công nhân lao động Việt Nam làm việc ròng rã, cực nhọc trong suốt 4 năm trời, kể từ lúc khởi công (ngày 12/9/1898) cho đến khi khánh thành (1902). Với chiều dài 2.290m (không kể đường dẫn), gồm 19 nhịp bằng thép cao 13,5m (đặt trên 20 trụ cầu lớn bằng bê tông), có hình dáng một con rồng uốn lượn, cầu Long Biên khi ấy là một trong 4 cây cầu thép lớn nhất thế giới và là cây cầu đẹp, độc đáo nhất châu Á.

Sự xuất hiện cầu Long Biên đã mở ra một thời kỳ mới của quá trình đô thị hóa Hà Nội lần thứ nhất, cũng như giao thương với các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc của đất nước. 83 năm sau, Hà Nội có thêm cầu Thăng Long và cầu Chương Dương. Cầu Thăng Long được thiết kế và xây dựng bởi sự giúp đỡ, viện trợ của Liên Xô (cũ). Cầu dài 3.250m, gồm 2 tầng, rộng 21m, mặt cầu bằng bê tông, có 25 nhịp cầu chính và 46 nhịp cầu đường dẫn. Tầng 1 dành cho phương tiện thô sơ và đường sắt. Tầng 2 dành cho xe cơ giới, có hai làn đường dành cho người đi bộ. Cầu Thăng Long khởi công xây dựng năm 1974, khánh thành vào 9/5/1985 (kéo dài đúng 11 năm?!) nối Sân bay Nội Bài với Thủ đô Hà Nội trên Đại lộ Nam Thăng Long. Cầu Thăng Long từng được mệnh danh là cây cầu thế kỷ, và là biểu tượng một thời của tình hữu nghị Xô - Việt. Cầu Thăng Long khánh thành hơn một tháng, thì ngày 30/6/1985, cầu Chương Dương cũng được thông tuyến và đưa vào sử dụng với kỳ tích chỉ sau 21 tháng thi công. Đây là cây cầu thép - bê tông đầu tiên hoàn toàn do kỹ sư và công nhân Việt Nam tự thiết kế và xây dựng, gắn liền với tên tuổi Kỹ sư Bùi Danh Lưu, người sau này trở thành Bộ trưởng Bộ GTVT. Cầu dài 1.230m, gồm 21 nhịp (11 nhịp thép và 10 nhịp bê tông) với 2 làn xe ô tô và 2 làn cho xe máy.

Cầu Chương Dương cách vị trí cầu Long Biên về phía Đông hơn 1 km, bắc qua sông Hồng, nối với quận Long Biên và QL1A, QL 5. Bước vào thời kỷ đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và sau khi mở rộng địa giới hành chính, diện mạo kiến trúc đô thị Hà Nội đổi thay nhanh chóng theo hướng văn minh, hiện đại. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, theo quy hoạch chiến lược phát triển hệ thống giao thông vận tải (đến năm 2030, tầm nhìn 2050), ngoài cầu Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 16 cây cầu nữa. Cho đến nay, 4 trong số 16 dự án cầu qua sông Hồng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng: Cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Vĩnh Thịnh và cầu Nhật Tân, một cây cầu hiện đại nối cửa ngõ quốc tế Sân bay Nội Bài với trung tâm TP, biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

2. Hà Nội là TP của cây xanh, mặt nước. Trải qua hơn ngàn năm hình thành và phát triển, TP này luôn gắn liền với sông Hồng. Hầu hết các con sông cổ và hồ đầm của Hà Nội còn sót lại đến hôm nay, như Hồ Gươm, Hồ Tây, sông Tô Lịch, Kim Ngưu… đều do sự biến đổi của sông Hồng tạo nên. Sông Hồng khởi nguồn từ phương Bắc xa xôi, ngàn vạn năm cần mẫn chở nặng phù sa bồi đắp cho vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ và uốn lượn như dải lụa hồng bao bọc TP, tạo nên một đặc trưng cho cảnh quan đô thị Hà Nội. Nếu như ở thế kỷ trước, Hà Nội là TP ven sông, với Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, sông Hồng đã nằm trong lòng TP. Vì thế, việc xây dựng 16 hay nhiều hơn nữa những cây cầu nối hai bờ sông sẽ tạo động lực để TP phát triển và làm cho kiến trúc cảnh quan đô thị thêm đặc sắc.

Bây giờ, bên kia cầu Long Biên, Vĩnh Tuy, Chương Dương không còn là những cánh đồng trồng ngô, trồng lúa hay làng xóm nghèo, mà thay vào đó là các dãy phố, khu đô thị mới của quận Long Biên sầm uất với hàng trăm tòa chung cư cao tầng, biệt thự kiến trúc hiện đại, các trung tâm thương mại, khách sạn, công sở… rồi các làng nghề truyền thống như làng gốm Bát Tràng… Ngày ngày, hàng ngàn vạn người và phương tiện qua lại trên những cây cầu để vào ra TP. Những cây cầu không chỉ làm cho giao thông giữa hai bờ sông Hồng thuận tiện, mà nó còn làm cho giá đất và bất động sản ở quận Long Biên tăng chóng mặt. Và cũng nhờ thế mà cái nhìn khinh khỉnh cách biệt vốn có giữa người nội đô với kẻ ngoại thành bao đời nay giờ cũng nhẹ nhàng đi!

Trong tương lai, Hà Nội sẽ có nhiều cây cầu lớn được xây dựng, đó là hình ảnh lãng mạn của một Thủ đô hiện đại, văn minh trong thế kỷ XXI. Còn hôm nay, trừ cầu Nhật Tân vừa xây dựng và cầu Long Biên già nua, thương tật bởi chiến tranh, mới chỉ được gia cố chống đỡ mà chưa hề được trùng tu, phục dựng lại nguyên trạng (?!), đã gần như hoàn thành sứ mạng giao thông của mình qua suốt hơn một thế kỷ, để trở thành một di sản văn hóa, thì hầu như, các cây cầu mới đã làm và đang làm, dù có kết cấu hiện đại, nhưng dường như vẫn thiếu vắng bàn tay của kiến trúc sư để chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật kiến trúc - cầu độc đáo mang bản sắc văn hóa sông Hồng.

Tôi vẫn nghĩ, cây cầu như cổng chào của Thủ đô qua sông Hồng. Những ai đi đường bộ, đường hàng không từ phía Tây, phía Bắc hay phía Đông vào TP đều phải đi qua những cây cầu. Vì thế, hình ảnh cây cầu có vẻ đẹp độc đáo, bản sắc và hoành tráng in bóng xuống dòng sông Hồng đỏ đậm phù sa, sẽ tạo ấn tượng lãng mạn biết bao cho du khách. Và khi ấy, TP của tôi sẽ đẹp dần lên bởi những cây cầu ấy!

Chao ôi! Nếu được như thế, thì biết đâu, rồi một ngày nào đó, và ở nơi nào đó xa lắc trên trái đất này, người ta cũng sẽ trầm trồ mỗi khi nhắc đến các cây cầu bắc qua sông Hồng của Hà Nội, như đã từng nhắc đến cầu Long Biên, cầu Great Belt (Đan Mạch), cầu tháp qua sông Thame (của London -Anh), cầu cảng Sydney (Úc), cầu Millau (Pháp), hay cầu cổng Vàng nối liền giữa San Fransico và California của nước Mỹ…

3. Những ngày này, Hà Nội đang khẩn trương hoàn thành tuyến đường sắt trên cao đầu tiên (số 2A) Cát Linh - Hà Đông. Cũng là một dạng cầu, nhưng không vượt sông mà vượt trên cao giữa lòng TP. Cùng với các cầu vượt đã có tại các nút giao thông lớn, phức tạp như các nút giao thông Lê Văn Lương - Láng, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Láng Hạ - Thái Hà - Chùa Bộc…, sắp tới là các tuyến đường sắt trên cao… sẽ được xây dựng, tất cả sẽ tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh, sống động về giao thông đô thị của Hà Nội trong tương lai.

Và khi ấy, không biết lũ trẻ ở thế hệ 20, 30X có còn nghêu ngao hát “Hà Nội có những cây cầu…” như chúng tôi ngày trước?

(Hà Nội, những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới)