Trẻ em khó khăn sẽ có cuộc sống tốt hơn
UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4980/QĐ-UBND ngày 25/11/2021 Về việc phê duyệt Đề án “Vận động nguồn lực bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025”.
TP Hà Nội có khoảng 13.585 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 36.994 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 29.002 trẻ em sống trong các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngoài ra, còn rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần sự quan tâm của cộng đồng xã hội.
Ban Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Chương Mỹ. |
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, TP Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Nhằm nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, Thành ủy khóa XVII đã đề ra những mục tiêu phù hợp, những nhiệm vụ, giải pháp khả thi nhằm nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Đề án Vận động nguồn lực bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025” là hiện thực hóa Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội để đảm bảo mục tiêu bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Đề án được thực hiện sẽ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có được cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn, giúp cho các em có cơ hội cải thiện, nâng cao điều kiện sinh hoạt và học tập, thực hiện quyền cơ bản của trẻ em, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Theo Đề án, sẽ có khoảng 98.300 lượt trẻ em được hỗ trợ thông qua các chương trình. Cụ thể, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho khoảng 68.350 em; hỗ trợ học tập dài hạn cho khoảng 1.120 em; tặng học bổng, xe đạp cho 8.750 trẻ em vượt khó học tốt; hỗ trợ học nghề cho khoảng 670 em; hỗ trợ 163 bộ trang thiết bị vui chơi ngoài trời. Đồng thời, thăm, tặng quà khoảng 20.250 trẻ em nhân dịp Tết Nguyên đán, tháng Hành động vì trẻ em, Quốc tế thiếu nhi và Tết Trung thu và hỗ trợ đột xuất cho khoảng 20.500 lượt trẻ em gặp thiên tai, dịch bệnh, tai nạn, bệnh hiểm nghèo...
Đề án cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu vận động 90% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và DN đóng trên địa bàn TP tham gia đóng góp tự nguyện giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Xã hội hóa, huy động nguồn lực hỗ trợ trên 82 tỷ đồng
UBND TP Hà Nội giao Sở LĐTB&XH Hà Nội chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Đề án, với các nhiệm vụ. Trong đó có rà soát, lập hồ sơ quản lý số liệu ba nhóm trẻ em (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn); tuyên truyền hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân và những nhà hảo tâm. Và, vận động các tổ chức, cá nhân, DN, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí, vật chất tương đương 82.088.000.000 đồng hỗ trợ cho 98.300 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Hà Nội.
Trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ có khoảng 98.300 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Hà Nội được hỗ trợ kinh phí, vật chất tương đương 82.088.000.000 đồng. |
Cùng với đó, UBND TP Hà Nội đưa ra các nhóm giải pháp thực hiện đề án. Theo đó, Hà Nội tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể đối với công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhất là đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hà Nội đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, các DN, tổ chức và mọi tầng lớp Nhân dân đóng góp nguồn lực thực hiện mục tiêu, nội dung của Đề án.
Bên cạnh việc rà soát, lập hồ sơ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, TP Hà Nội cũng đề ra giải pháp đẩy mạnh vận động nguồn lực xã hội, trong đó tập trung xã hội hóa, huy động nguồn lực trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức phong phú và thiết thực. Đồng thời, tiếp tục duy trì các nhà hảo tâm, các tổ chức, DN trong thời gian qua; tăng cường vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang; khuyến khích phát triển các tổ chức, cá nhân, DN, các nhà hảo tâm mới trong nước và quốc tế để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Hà Nội sẽ phát triển, nhân rộng mô hình đỡ đầu dài hạn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; đề xuất, vận động mô hình “Mỗi đơn vị một địa chỉ từ thiện” trong đó khuyến khích mỗi tổ chức, cá nhân đỡ đầu tối thiểu 1 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...