Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội vận hành 19 trạm bơm chống ngập úng cho gần 560ha cây trồng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của mưa lớn, trên địa bàn Hà Nội hiện đang có gần 560ha cây trồng bị ngập úng. Hiện, hàng chục trạm bơm đang được vận hành, tập trung tiêu thoát nước chống úng ngập cho những diện tích này.

Theo số liệu đo đạc, từ 7 giờ ngày 24/8 đến 7 giờ ngày 25/8, trên địa bàn Hà Nội đã có mưa. Lượng mưa đo được tại một số trạm tương đối lớn. Đơn cử như: Bắc Từ Liêm 33,1mm, Ba Vì 19,2mm, Ứng Hòa 16,5mm, Hà Đông 11,8mm…
Hà Nội đang vận hành hàng chục trạm bơm tiêu úng cho cây trồng
Mưa lớn đã khiến mực nước một số hồ chứa thủy lợi trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh. Đến sáng nay, đang có 4 hồ chứa có mực nước cao hơn dung tích thiết kế gồm: Quan Sơn (Mỹ Đức), Văn Sơn (Chương Mỹ), Miễu (Chương Mỹ), Đồng Sương (Chương Mỹ). Mực nước vượt ngưỡng thiết kế dao động từ 0,13 - 0,3m. Hiện, các hồ đang tiến hành xả tràn và vẫn bảo đảm an toàn.
Cũng do ảnh hưởng của mưa nên nhiều diện tích canh tác nông nghiệp tại các địa phương đang bị ngập úng, tập trung chủ yếu ở huyện Ba Vì với gần 550ha. Còn lại khoảng 10ha là phần diện tích thuộc các huyện: Thạch Thất, Phúc Thọ.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp thủy lợi, trong hôm nay (25/8), các đơn vị đang tiếp tục vận hành 19 trạm bơm thực hiện việc tiêu thoát nước cho diện tích cây trồng bị ngập úng. Trong đó, Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích vận hành 13 trạm, công ty sông Nhuệ và sông Đáy - mỗi đơn vị vận hành 3 trạm bơm.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do ngập úng, chủ động ứng phó nguy cơ thiên tai có thể xảy ra, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Chu Văn Tuấn, đề nghị Công ty Điện lực Hà Nội đảm bảo việc cung cấp điện cho các doanh nghiệp thủy lợi vận hành các trạm bơm tiêu thoát nước, chống úng.
Bên cạnh đó, các hạt quản lý đê, các doanh nghiệp thủy lợi, các đơn vị quản lý hồ chứa, đặc biệt là các địa phương, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến của mưa. Thường xuyên rà soát, đánh giá hiện trạng đê điều, công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn để chủ động các giải pháp xử lý, khắc phục sự cố ngay từ giờ đầu…