Song song với việc góp phần nâng cao mỹ quan TP, thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, hơn 2 năm thực hiện đề án, ý thức người dân đã dần được hình thành, tuy nhiên cũng không ít những hành động phản cảm, vô ý thức.
Ý thức dần được hình thành
Sau vài giây dừng lại đọc những dòng ghi trên thùng rác tại phố Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội), cô sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân Nguyễn Thị Tuyết mới ngập ngừng bỏ túi rác mà cô đang cầm trên tay trước đó vào chiếc thùng ghi dòng chữ “rác tái chế”.
Khi được hỏi, Tuyết cho biết: “Em đọc xem thùng nào là thùng rác tái chế và không tái chế để bỏ túi rác gồm vỏ bánh mỳ và chai nước mà em vừa ăn lúc trên xe buýt đến trường”. Thấy chúng tôi tò mò, cô bé giải thích thêm “từ hồi học phổ thông, chúng em đã được học về thế nào là rác vô cơ rồi. Đó là những loại chất thải rắn như: Giấy, chai lọ thủy tinh, túi ni lông... đây là những loại chất thải có thể tái chế lại được”.
Tương tự như Tuyết, cô gái trẻ Phạm Thị Hoa là hình ảnh tiếp theo chúng tôi bắt gặp tại khu vực hồ Trúc Bạch (quận Tây Hồ, Hà Nội) khi cô dừng chân bỏ túi rác của mình vào đúng thùng sau vài giây đứng đọc. Thấy chúng tôi đưa máy lên chụp, cô nhoẻn miệng cười lý giải: “Em chỉ bỏ cho đúng thùng để dễ phân loại rác thôi mà. Các anh chụp ảnh đừng đưa em lên mạng xã hội nhé. Em thành công dân gương mẫu thì nổi tiếng chết” - cô hài hước cho hay.
Theo chia sẻ của Phạm Thị Hoa, sau những giờ học trên lớp cô trở thường trở về nhà bằng việc đi bộ trên con đường ven hồ này. “Hồ đẹp và sạch thế này mà một số người cứ xả rác ra một cách vô ý làm mất đi vẻ lãng mạn của hồ. Nhưng từ khi có thùng rác lắp quanh hồ, mọi người cũng ý thức hơn về việc bỏ vào đúng nơi quy định. Em cũng bỏ vào như những người khác thôi” - chị Phạm Thị Hoa tâm sự.
Trên đường Nguyễn Chí Thanh, bà Nguyễn Thị Thắng, người có thâm niên bán đồ ăn sáng đã hơn 20 năm vừa gom những vỏ trứng, rau, giấy lau… vào chiếc túi ni lông rồi nhét thẳng vào chiếc thùng có ghi dòng chữ “Rác không tái chế”. Khi thấy chúng tôi hỏi, bà cười xòa cho biết: “Bà mắt kém nên có đọc được đâu. Thôi cứ bỏ đại vào đó để công nhân thu gom họ phân loại sau”.
Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ trong vòng ít phút đồng hồ trên đường Nguyễn Chí Thanh - Giảng Võ này là những hình ảnh như: Cặp vợ chồng trên đường đi làm, chầm chậm xe tạt vào một thùng rác ven đường để bỏ rác. Cách đó không xa là một anh thanh niên chạy Grap cũng dừng lại để bỏ chiếc túi bóng rác đồ ăn mà anh ăn vội trước đó trên hành trình đi đón, chở khách của mình….
Còn đó những điều bị “bỏ quên”
Chúng tôi vòng ngược trở lại đường Thái Hà vào thời điểm nắng đã gần đứng bóng, hai anh công nhân của công ty Cổ phần Công nghệ Xanh Goda đang vần những viên đá trên một thùng rác đoạn đối diện Trung tâm chiếu phim Quốc Gia. Thấy chúng tôi tò mò, anh Nguyễn Văn Tình cho biết: “Chúng tôi đi dọn vệ sinh thùng rác, và thùng này chẳng biết ai đó lấy những viên đá chèn lên nên hai anh em đang phải bỏ những viên đá kia ra để vệ sinh thùng rác”.
Trong khi đó, bà Ngọc, một chủ quán cà phê gần đó thẳng thắn: “Trước đến giờ cứ cái gì là rác thì gọi là rác, giờ có vẽ chuyện phân loại này kia thì ai mà làm được. Trong khi đó, nhà bao việc”.
Theo ghi nhận của phóng viên, song song với những hình ảnh mỹ quan đô thị đang dần được tô đẹp hơn, vẫn còn đó những xấu xí, bất cập như việc hàng loạt thùng rác bị úp ngược, bị mất thùng và bị dùng đá, tấm gỗ chắn nắp… gây khó khăn cho người dân bỏ rác đúng nơi quy định. “Do những người thiếu ý thức bỏ cả túi bóng đồ ăn thừa, vỏ hải sản gây bốc mùi hôi thối, nên chúng tôi đã đậy nắp thùng lại” - chị Nguyễn Thi Thu, nhà gần một thùng rác cho hay.
Cũng theo chị Thu, thùng rác công nghệ khá tiện ích cho việc bỏ rác đúng nơi quy định. Tuy nhiên, việc những người dân thiếu ý thức, cố tình đã làm cho nét đẹp này bị xấu xí và méo mó đi
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Tấn Đạt - Trưởng phòng Dự án của Công ty Cổ phần Công nghệ Xanh Goda cho biết: “Năm 2019, UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương xã hội hóa, cho phép Công ty Cổ phần Công nghệ xanh Goda lắp đặt và cung cấp hệ thống thùng rác công nghệ, kết hợp quảng cáo. Theo đề án, toàn Thành phố sẽ triển khai lắp đặt thùng rác tại 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã, với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Đến thời điểm này, chúng tôi đã lắp đặt và đưa vào sử dụng được 2.000 thùng. Nhìn chung các thùng rác đã dần đi vào quy củ cho người dân, khách du lịch và học sinh” - ông Trần Tấn Đạt cho biết.
Theo ông Trần Tấn Đạt, ở các nước tiên tiến ý thức dân trí cao, người ta phân ra rõ 5 loại rác cơ bản như: Giấy, nhựa, thủy tinh, kim loại, thực phẩm. “Ngoài ra, một số nước còn có thùng đựng rác nguy hại riêng. Tuy nhiên do điều kiện cơ sở, kinh tế cũng như thói quen của người dân Việt Nam, tạm thời chỉ phân làm hai loại là: Tái chế và không tái chế” - ông Trần Tấn Đạt nói
Đánh giá về hiệu quả của thùng rác công nghệ, ông Đạt cho rằng, việc phân loại rác đầu nguồn hiện chưa cao. Tuy nhiên, ý thức của người dân bỏ rác vào đúng nơi quy định thì đã dần được hình thành, nhất là các bạn trẻ. “Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ có những chương trình tuyên truyền cao hơn để người dân nâng cao ý thức trong công cuộc giữ gìn vệ sinh chung cũng như làm đẹp thêm cho Thành phố” - ông Trần Tấn Đạt chia sẻ.