Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội vừa chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tháng 11/2021, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn chịu tác động từ dịch Covid 19 song các chỉ số thương mại, dịch vụ, sản xuất công nghiệp của Hà Nội tiếp tục phục hồi…

Thương mại, dịch vụ, sản xuất công nghiệp tăng tốc

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính đạt 57.500 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 38.200 tỷ đồng, tăng 1,7% và tăng 10,1%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 5.200 tỷ đồng, tăng 1,1% và tăng 7,8%; doanh thu du lịch, lữ hành đạt 385 tỷ đồng, tăng 7,3% và giảm 12,9%; doanh thu dịch vụ khác đạt 13.700 tỷ đồng, tăng 6,2% và tăng 2,1%. Khách quốc tế tháng 11 ước tính đạt 16.000 lượt khách, tăng 9,9% so với tháng trước và giảm 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Khách trong nước đến Hà Nội ước tính đạt 10.000 lượt khách, tăng 2,6% so với tháng trước. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn từ 1 đến 5 sao ước đạt 26,5%, tăng 9,5%.

 Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tiếp tục xu hướng phục hồi. Ảnh minh hoạ

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội tiếp tục xu hướng phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 11, Hà Nội có thêm 2.513 DN đăng ký thành lập mới, tăng 9% so với cùng kỳ với số vốn đăng ký  40,4 nghìn tỷ đồng, tăng 96%. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11, toàn TP thu hút 1,3 tỷ USD vốn vốn đầu tư nước ngoài, trong đó đăng ký cấp mới 330 dự án với số vốn đạt 210,6 triệu USD; 110 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn 634 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 436 lượt, đạt 426 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11 ước tính đạt 1.354 triệu USD, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2020. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ gồm: Hàng dệt may; máy móc, thiết bị; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm từ gỗ...

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 11 tháng năm 2021 ước thực hiện 238.100 tỷ đồng, đạt 101,1% dự toán Trung ương giao (đạt 94,7% dự toán TP giao) và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020. Cũng trong tháng 11, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý ước tính đạt 4.533 tỷ đồng, tăng 16,1% so với tháng trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tháo gỡ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng cuối năm

Sau “cơn bão” lớn, khó khăn vẫn còn bủa vây, TP xây dựng kịch bản tăng trưởng, vẫn quyết tâm phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế năm 2021 lên đến 3%, làm tiền đề thúc đẩy tăng trưởng cho năm 2022 và các năm tiếp theo. UBND TP Hà Nội tiếp tục kiên định, kiên trì các biện pháp phòng chống dịch và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine; Ban hành kế hoạch thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

TP Hà Nội triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp để duy trì sự ổn định kinh tế, trong đó chú trọng tiếp tục thực hiện bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước; đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, phục hồi các chuỗi cung ứng. Tập trung thực hiện các giải pháp để tạo bước đột phá về chuyển đổi số, kinh tế số, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư. Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh. Đây là cơ sở để Hà Nội phát triển kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. 

Đầu tháng 11, TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô trong bối cảnh dịch Covid-19”. Hội nghị trao đổi, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho DN đồng thời thúc đẩy giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế của TP trong thời gian tới.

Trong tháng cuối năm, các DN tập trung đẩy nhanh tiến độ sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân những tháng cuối năm, dịp Tết Dương lịch năm 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Chiến Thắng, đến thời điểm hiện nay, các DN công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản phục hồi sản xuất, nhiều DN đạt công suất 80-90%. Dù còn gặp khó khăn về chi phí nguyên vật liệu, nhân công… nhưng các DN đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để tăng doanh số, tạo việc làm cho công nhân và đặc biệt là giữ khách hàng.

Hiện dịch bệnh đang có diễn biến mới khi xuất hiện biến thể mới. Điều này cho thấy quá trình kiểm soát dịch bệnh, phục hồi nền kinh tế đang trở nên khó khăn hơn. Để phục hồi sản xuất, nhiều nhóm vấn đề được các DN nêu với chính quyền TP Hà Nội như: Giảm, giãn, gia hạn thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh; các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối DN trong nước… Về các kiến nghị của cộng đồng DN, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh biết, TP giao các Sở liên quan, Trung tâm xúc tiến đầu tư… để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đôn đốc các dự án đầu tư trên địa bàn; đồng thời Hà Nội đang nỗ lực cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các DN. Về chính sách hỗ trợ lĩnh vực du lịch, thành phố đã giao ngành du lịch có chính sách riêng, phù hợp theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống hiệu quả dịch Covid-19…