Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội vui Tết Tân Sửu trong an toàn

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của chính quyền các cấp, người dân Thủ đô đã tận hưởng trọn vẹn không khí Tết Tân Sửu 2021 vui tươi, phấn khởi, an toàn.

 Người dân vui xuân bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Thanh Hải
Vui chơi trong tâm thế mới
Tết Tân Sửu 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Để người dân được vui Xuân đón Tết trọn vẹn, TP Hà Nội vẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng ở mức độ nhất định và tăng cường công tác tuyên truyền, phòng chống dịch Covid-19. Tối 30 Tết, TP Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa tại một điểm duy nhất - Công viên Thống Nhất. Bên cạnh đó, vào ngày đầu tiên của năm mới, các di tích lịch sử, danh thắng, đền, chùa như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, tứ trấn Thăng Long... đều mở cửa đón du khách đến thăm quan, du Xuân, thực hành tín ngưỡng.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, người dân đến tham quan, du Xuân tại các di tích, danh lam thắng cảnh của TP đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Chính quyền địa phương, ban quản lý các di tích, danh lam thắng cảnh đã tuyên truyền, nhắc nhở, lắp đặt trang thiết bị y tế để tăng cường phòng, chống dịch bệnh.

Tại đền Ngọc Sơn, Ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội đã mở cửa miễn phí đón khách tham quan. Ngay từ cổng đền, loa phát thanh tuyên truyền về phòng, chống dịch được phát 24/24 giờ; máy rửa tay tự động “3 giây” được lắp đặt; tại nhiều vị trí bảng thông điệp 5K được dán để nhắc nhở người đi lễ. Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám sắp xếp các vị trí mua bán vé tham quan đảm bảo giãn cách 2m. Bên trong di tích, tại các địa điểm thờ tự, nhân viên trung tâm thường xuyên nhắc nhở người dân đảm bảo giãn cách. Tại các bàn làm việc của ông đồ, người xin và cho chữ đều đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.

Tại chùa Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội), người đi lễ được phân luồng, đảm bảo giãn cách. Chính quyền địa phương đã lắp đặt máy đo thân nhiệt tự động, người dân chỉ mất từ 2 - 5 giây để thực hiện thao tác này. Trong trường hợp người dân tập trung quá đông tại một di tích, cơ sở văn hóa, Ban Quản lý các di tích, chính quyền địa phương đã có các giải pháp cụ thể, chủ động phòng, chống dịch. Đơn cử, tại Phủ Tây Hồ, ngày mùng 1 Tết (12/2 dương lịch) Ban quản lý đã đóng cửa để hạn chế việc người dân vào bên trong khuôn viên di tích, phân luồng giao thông, nhắc nhở người dân không tập trung đông trước cổng Phủ.
Xin chữ đầu năm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thanh Hải
Chuyển đổi trạng thái phòng, chống dịch

Theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội, từ 0 giờ ngày 16/2 Hà Nội đóng cửa quán ăn đường phố, trà đá, cà phê, tạm thời đóng cửa các di tích để ngăn chặn dịch bệnh. Ngay sau khi có chỉ đạo, các di tích trên địa bàn TP đã đồng loạt đóng cửa.

Ngày 16/2, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, các di tích như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, chùa Quán Sứ đồng loạt đóng cửa. Tại Văn Miếu, trước cổng di tích dán thông báo: “Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tạm dừng hoạt động đón khách tham quan di tích từ ngày 16/2/2021. Thời gian mở cửa sẽ được thông báo sau. Rất mong quý khách thông cảm”. Ban Quản lý đền Ngọc Sơn sau thời gian Tết mở cửa đón khách tham quan đã dán thông báo: “Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội tạm thời đóng cửa di tích quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn để vệ sinh khử khuẩn phòng dịch”. Tại di tích Gò Đống Đa, UBND quận Đống Đa cũng niêm yết công khai quyết định dừng tổ chức lễ hội 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2021).

Những ngày qua, trước thông tin được đăng tải trên một số cơ quan báo chí về việc chùa Hương không tổ chức lễ hội nhưng vẫn tổ chức đón khách dịp đầu năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết: Đến thời điểm này, huyện đã chính thức công bố dừng toàn bộ hoạt động khai hội, không tổ chức đón tiếp khách, không tổ chức dịch vụ thuyền đò tại chùa Hương để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, huyện cũng tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết.

Có thể thấy, qua việc chủ động trong việc phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội, người dân vẫn có điều kiện để đón Tết Tân Sửu trong không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn. Sự linh hoạt trong công tác chỉ đạo của TP đã góp phần tạo điều kiện cho Nhân dân Thủ đô được an tâm đón chào năm mới; phòng, chống và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trên địa bàn TP.