Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy trình bày Tờ trình và Dự thảo Chương trình hành động, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Dự thảo Chương trình có kết cấu gồm 4 phần kèm theo 4 phụ lục, nội dung bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị và được cụ thể hóa bằng các chương trình, nhiệm vụ, đề án để triển khai thực hiện.
Dự thảo Chương trình xác định 4 nội dung mục đích, yêu cầu, trong đó nêu rõ, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô Hà Nội, quyết tâm đưa Nghị quyết 15-NQ/TW đi vào cuộc sống.
Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 và đến năm 2045 cơ bản bám sát theo các chỉ tiêu cụ thể được nêu trong Nghị quyết 15; đồng thời, có bổ sung các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đã được nêu trong Báo cáo của Thành ủy tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ.
Đối với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, Dự thảo Chương trình cơ bản bám sát 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết 15. Đồng thời, cụ thể hóa, bổ sung, làm rõ nội hàm từng nhiệm vụ, giải pháp thông qua chắt lọc các nội dung nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong Báo cáo của Thành ủy tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ, 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII và một số Nghị quyết, chủ trương mới của Thành ủy thời gian qua.
Trong đó, đáng chú ý, theo 4 phụ lục kèm theo Dự thảo Chương trình, có 132 nhiệm vụ, đề án trọng tâm đã được xác định cụ thể để ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Hà Nội cũng kiến nghị các cơ quan trung ương triển khai 74 nội dung nhằm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW.
Chương trình hành động của Đảng bộ TP Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt, là cơ sở quan trọng số một để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Chính vì vậy, Dự thảo Chương trình hành động đã rất chú trọng phần nội dung về tổ chức thực hiện. Từng nhiệm vụ được phân công cho các cơ quan, đơn vị đã được rà soát rất kỹ, bảo đảm chất lượng cao trước khi trình ra Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
Sau khi nghe các tờ trình, hội nghị tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Chương trình.
Trước đó, trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, đề cập đến nội dung này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, để triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Kế hoạch số 79 ngày 26/5/2022. Thực hiện nhiệm vụ được giao, với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, trên cơ sở 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII, tình hình thực tiễn của TP và tham khảo kết cấu, nội dung các chương trình, kế hoạch trước đây của Thành ủy và chương trình, kế hoạch vừa qua của một số tỉnh, thành ủy về việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, các cơ quan soạn thảo đã xây dựng Dự thảo Chương trình hành động xin ý kiến của tập thể Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy để tổng hợp, hoàn thiện như Dự thảo Chương trình. Dự thảo Chương trình hành động cũng đã được gửi tới các đại biểu tham dự Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị diễn ra vào ngày 22/6/2022.
Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh, để Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị được triển khai thực hiện hiệu quả và sớm đi vào cuộc sống, các đại biểu tham gia Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP lần này nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ, tập trung thảo luận, cho ý kiến cụ thể về kết cấu, nội dung Chương trình hành động đảm bảo bao quát đầy đủ và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết 15. Đồng thời phải gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng lớn, khâu đột phá và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ TP, 10 Chương trình công tác của Thành ủy và tình hình thực tiễn.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến thiết thực về dự kiến danh mục các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, đề án phân công cho các cơ quan, đơn vị thực hiện, thời gian triển khai, thời gian hoàn thành tại phụ lục kèm theo, đảm bảo Chương trình khi ban hành phải xứng tầm với vị trí, vai trò của Thủ đô như Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đã nêu, đúng với thực tiễn của TP và khả thi trong tổ chức thực hiện.
Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra mục tiêu, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD.
Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP bình quân đầu người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.