Theo Tờ trình về dự thảo Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030 của UBND TP Hà Nội, quan điểm phát triển nhà ở được xác định phải phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung, xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Chương trình phát triển đô thị toàn TP Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm - 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, lưu ý đến các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
TP cũng xác định phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng phát triển KT-XH, gắn liền với định hướng phát triển đô thị. Phát triển nhà ở phải gắn với phát triển thị trường bất động sản nhà ở, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; sử dụng quỹ đất tiết kiệm, hiệu quả; nâng cao chất lượng xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, tiện nghi và môi trường…
Phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhằm giải quyết cơ bản yêu cầu về nhà ở. đồng thời phát triển đô thị bền vững, hiện đại, góp phần đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh; tăng cường công tác quản lý xây dựng nhà ở. Đảm bảo chỗ ở ổn định cho công nhân và phát triển nhà ở công nhân gắn liền với trách nhiệm của người sử dụng lao động, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, chính quyền địa phương và các tổ chức công đoàn...
Dự thảo Chương trình cũng đưa ra các mục tiểu cụ thể như đến năm 2025, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn TP phấn đấu đạt 29,5m2/người, trong đó khu vực đô thị đạt 31m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người.
Về nhà ở xã hội, phát triển mới khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở. Chuẩn bị đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật.
Rà soát, điều chỉnh quy hoạch để bố trí, quy hoạch bổ sung quỹ đất đề đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp. Tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của T.Ư, nhà ở cho - thuê mua phải đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án.
Về nhà ở tái định cư, phát triển mới khoảng 0,565 triệu m2 sàn nhà ở. Thực hiện mua nhà ở thương mại làm nhà ở tái định cư bằng nguồn vốn từ ngân sách, trong đó ưu tiên đối với quỹ nhà đang thực hiện cơ chế đặt hàng mua nhà ở thương mại làm nhà ở phục vụ tái định cư; thực hiện thí điểm mô hình xây dựng nhà ở xã hội làm nhà ở phục vụ tái định cư.
Về nhà ở thương mại, phát triển mới khoảng 19,69 triệu m2 sản nhà ở; căn hộ có điện tích tối thiểu 40m2/căn hộ. Rà soát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang triển khai và ưu tiên triển khai cải tạo, xây dựng lại 6 khu có nhà nguy hiểm cấp D. Tiếp tục cải tạo, chỉnh trang nhà ở, khu phố cũ. Về nhà ở riêng lẻ, phát triển mới khoảng 22,5 triệu m2 sàn (khoảng 4,5 triệu m2 sàn/năm).
Tiếp tục thực hiện việc xóa nhà tạm, nhà đơn sơ. Trong đó, tập trung xóa bỏ nhà tạm, nhà đơn sơ tại các khu nhà “ổ chuột” khu vực chân cầu, dọc theo ven các sông, kênh trên địa bàn Thành phố; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn TP đạt 90%, trong đó khu vực đô thị đạt 95%, khu vực nông thôn đạt 85%.
Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị hình thành mới phải được quy hoạch xây dựng theo xu hướng nhà ở xanh, đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số; các khu đô thị, khu nhà ở phải bố trí đầy đủ hạ tầng khung, (cấp điện, cấp thoát - nước), đáp ứng đầy đủ cơ sở giáo dục công lập…
Về mục tiêu đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn TP đạt 32m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị đạt 33m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người. Về nhà ở xã hội, phát triển mới khoảng 5,55 triệu m2 sàn nhà ở.
Triển khai đầu tư xây dựng 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và chuẩn bị đầu tư đối với các khu còn lại. Phấn đấu 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của TP đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động. Tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của Trung ương, nhà ở cho thuê mua phải đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án.
Về nhà ở tái định cư, phát triển mới khoảng 1,3 triệu m2 sàn nhà ở. Nhà ở thương mại, phát triển mới khoảng 15,19 triệu m2 sản nhà ở; tiếp tục triển khai theo nội dung, tiến độ đề án và các kế hoạch triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP được phê duyệt, trong đó triển khai cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ. Về nhà ở riêng lẻ, phát triển mới khoảng 22,5 triệu m2 sàn (khoảng 4,5 triệu m2 sàn/năm)….
Về quy hoạch xây dựng, kiến trúc và đất đai, TP xác định đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chương trình phát triển đô thị TP Hà Nội…
Trong quá trình lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt… Quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm, trong đó trên địa bàn các quận trong khu vực nội đô lịch sử hạn chế tối đa phát triển nhà chung cư trong các dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, trừ dự án tái thiết đô thị, như: cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư để hạn chế tối đa việc gia tăng dân số và quá tải hạ tầng.
Các khu vực còn lại hạn chế tối đa phát triển nhà ở liền kề, biệt thự thấp tầng và tăng tối đa nhà chung cư trong các dự đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị nhằm sử dụng hiệu quả quỹ đất…
Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030 sau khi được Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII cho ý kiến, hoàn thiện, sẽ được trình HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới.