Sáng 25/6, các đơn vị liên quan cùng người dân phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy đã tiến hành từng bước thi công các hạng mục sân chơi phát thải thấp |
Hướng tới lối sống phát thải thấp
Là một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới do quá trình đô thị hóa, cùng những tác động tích cực của đô thị hóa như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ, tuy nhiên TP Hà Nội còn đang gặp phải nhiều thách thức.
Theo đó, hoạt động quy hoạch phát triển TP Hà Nội còn chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong khi TP còn đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Dân số đông đúc với sự góp mặt của 17 khu công nghiệp, trên 1.350 làng nghề, gần 6 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ô tô cũng là những thách thức không nhỏ của TP.
Theo ước tính, mỗi ngày TP Hà Nội tiêu thụ trên 400 triệu kwh điện và hàng triệu lít xăng dầu, đây cũng chính là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính, gây biến đổi khí hậu.
Nhằm ứng phó với những thách thức trên, Hà Nội đã có những bước đi cụ thể nhằm xây dựng các hành động ngắn hạn và dài hạn để thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH. Trong đó, dự án “Cam kết thành phố tham vọng” được ký kết thỏa thuận tham gia từ tháng 10 năm 2017 giữa TP Hà Nội và tổ chức ICLEI cùng với các hợp phần khác như “Lời hứa của thành phố” hay “Mô hình không gian công cộng phát thải thấp” sẽ hướng tới một lối sống phát thải thấp để tạo nên một môi trường trong lành và khỏe mạnh cho người Việt Nam, đặc biệt là các thế hệ trẻ - tương lai của đất nước sau này.
Nhiều công năng công cộng đang tích cực được triển khai nhằm sớm đem lại không gian công cộng phát thải thấp cho người dân phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy |
Không gian công cộng - thành phần chức năng thiết yếu của đô thị
KGCC là thành phần chức năng thiết yếu của đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, vui chơi, giải trí của người dân, do vậy chất lượng của các KGCC quyết định một phần không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, theo thực tế hiện nay thì những KGCC này chưa có những quy chuẩn, tiêu chuẩn và những hướng dẫn về phương pháp thực hiện làm cơ sở trong công tác quy hoạch, thiết kế thực tiễn.
Tại Hà Nội, sự thiếu hụt các KGCC cũng như chất lượng của KGCC không được đảm bảo tại những quận nội thành. Mật độ không gian xanh đô thị tại Hà Nội là 1,72m2/người - thấp hơn rất nhiều so với con số 9m2/người của các quốc gia khác trên thế giới (theo Tổ chức Y tế Thế giới công bố).
Nhận thấy những vấn đề của KGCC tại Hà Nội, những đối tác thực hiện dự án “Cam kết thành phố tham vọng” cùng với chính quyền địa phương đã nghiên cứu, khảo sát địa bàn các quận nội thành để tìm ra một nơi phù hợp đáp ứng đủ các tiêu chí để xây dựng một mô hình mẫu về KGCC phát thải thấp.
Người dân tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy tích cực tham gia trồng cây, trang trí thùng trồng cây từ bếp lò. |
Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy là nơi được lựa chọn. Trên cơ sở hạ tầng sẵn có, gồm có nhà văn hóa phường và một sân chơi với một số thiết bị vui chơi cho trẻ em. Các chuyên gia của Dự án đã nghiên cứu, tạo dựng thêm một số các hạng mục để “biến” Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường Nghĩa Tân trở thành KGCC phát thải thấp.
Trong đó, KGCC tại đây bao gồm Khu vực sân chơi thân thiện với môi trường, lấy ý tưởng “Du Mục”, đã giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế “Xanh hóa không gian - An lành cuộc sống của Nhóm Red Sparrow, hướng tới việc tạo ra sân chơi xanh để sử dụng các mô đun thiết bị linh hoạt, có thể di chuyển được, tạo ra sự kết nối linh hoạt giữa các không gian công cộng trong đô thị, tạo thêm nhiều công năng cho cộng đồng (thiết bị chơi, trồng cây, rạp phim di động…).
Các thiết bị được làm từ vật liệu tái chế và vật liệu tự nhiên có nguồn gốc bền vững (gỗ rừng trồng công nghiệp), bao gồm tổ hợp các thiết bị vận động cho trẻ em, các góc giáo dục môi trường và sinh thái nhằm tạo ra một không gian xanh, hấp dẫn, thân thiện với môi trường và có tính giáo dục cao.
KGCC tại đây sẽ sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời, cung cấp điện cho nhà văn hóa và các khu vực trong khuôn viên. Với công suất khoảng 20kWp, hệ thống này sẽ đáp ứng được tương đương 90% nhu cầu dùng điện hiện tại của không gian này, ước tính sẽ giảm khí phát thải 1,6 tấn CO2 tương đương/năm và tương đương trồng được 1ha rừng. Cùng với đó là thiết bị cảm ứng giám sát chất lượng không khí, hệ thống bảng biển giáo dục môi trường, hệ thống các bảng biển chỉ dẫn về sân chơi…
Có thể nói, đây là mô hình được xây dựng với mục tiêu tăng sự gắn bó của cộng đồng, khuyến khích sự tương tác, hòa nhập xã hội và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng lối sống phát thải thấp.