Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/9, UBND TP Hà Nội phối hợp cùng Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo chuyên đề “Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Hội thảo nhằm tham vấn chính sách và đánh giá tác động của chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đã chia sẻ về hiện trạng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn TP thời gian qua. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, phát triển “tam nông” của Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Nguyên nhân theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội là bởi tốc độ đô thị hoá nhanh kéo theo diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp; canh tác nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết. Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Cần thêm cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp Hà Nội bền vững. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Cần thêm cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp Hà Nội bền vững. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Đặc biệt, một số cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều bất cập, thiếu thực tế nên khó thu hút được nguồn lực xã hội. Doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp Thủ đô, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất trong Luật Thủ đô (sửa đổi), TP được quyết định chuyển đổi mục đích đất theo đối tượng sản xuất nông nghiệp để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách đầu tư hạ tầng cho vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

 

“Hà Nội phải phát triển nông nghiệp, nông thôn khác với các tỉnh, TP khác. Con người và thị trường là hai yếu tố vô cùng quan trọng mà TP có được. Đây cũng sẽ là tiền đề để Hà Nội phát triển khác biệt ‘''tam nông'' trên cơ sở Luật Thủ đô sửa đổi…”

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cần có chính sách thu hút đầu tư trang thiết bị, công nghệ sản xuất; chọn tạo, bảo tồn, phát triển giống cây trồng, vật nuôi. Có cơ chế giao đất phát triển công nghiệp chế biến gắn liền với vùng canh tác nông nghiệp tập trung để tổ chức liên kết sản xuất bền vững...

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ góc nhìn về phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội; Tham vấn chính sách tích tụ, tập trung đất đai; Tăng thẩm quyền quy hoạch nông nghiệp, nông thôn, quy hoạch đê điều; Đánh giá và khuyến nghị cơ chế, chính sách về bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường nông thôn…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội thảo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội thảo.

Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và PTNT (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Oánh đã đề cập đến một số hạn chế trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn TP hiện nay. Đồng thời cho rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có cơ chế đặc thù phát triển hợp tác xã kiểu mới phù hợp với tính xã hội của khu vực nông thôn Hà Nội. Đồng thời phát triển kinh tế trang trại, gia trại gắn với du lịch sinh thái.

Theo TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, Luật Thủ đô cần cụ thể hoá việc phát triển những vùng nông nghiệp công nghệ cao để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư. Điều này sẽ tháo gỡ được vấn đề về tích tụ đất đai và tiếp cận của doanh nghiệp đối với tư liệu sản xuất. Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp Hà Nội theo các vùng trọng điểm trên cơ sở tiềm năng lợi thế của từng địa phương…

Theo Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến, trong Luật Thủ đô có đề cập đến vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, để vận dụng được vào thực tiễn phát triển vẫn là vấn đề nan giải. “Qua tổng kết Luật Thủ đô mà Bộ Tư pháp và các đơn vị đang thực hiện cũng đã nhận thấy được hạn chế này để tập trung nghiên cứu sửa đổi trong thời gian tới…” - ông Nguyễn Hồng Tuyến cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, Luật Thủ đô năm 2012 còn thiếu quy định về phát triển nông nghiệp, nông thôn, làm ảnh hưởng lớn đến tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện của hệ thống chính sách phát triển Thủ đô. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Thủ đô để đáp ứng các mục tiêu phát triển cho TP trong giai đoạn tới là hết sức quan trọng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh việc hoạch định cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trong sửa đổi Luật Thủ đô phải có tính khả thi, phù hợp với tình hình mới. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát huy tiềm năng, lợi thế, xây dựng Thủ đô văn hiến, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.