Hà Nội: Xây dựng phương án nới lỏng từng bước đi kèm kiểm soát chặt chẽ phòng, chống dịch

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động các phương án phòng, chống dịch sau ngày 21/9. Sau ngày 21/9, TP sẽ xây dựng phương án phòng, chống dịch theo hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch...

Chiều 19/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn - Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 TP chủ trì giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy TP với Sở chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu kết luận cuộc họp.
Chuẩn bị phương án tiêm vaccine mũi 2 cho người dân
Báo cáo sơ bộ diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 trong ngày, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến 14 giờ ngày 19/9, TP ghi nhận 14 ca mắc mới (trong đó có 12 ca tại khu vực cách ly, 2 trường hợp ở khu phong tỏa). Toàn TP hiện còn 44 điểm phong tỏa. 
Về công tác xét nghiệm, trong ngày 19/9, các đơn vị đã lấy 4.711 mẫu xét nghiệm, kết quả phát hiện 14 dương tính, 4.535 mẫu âm tính.
Công tác tiêm chủng tiếp tục được triển khai, luỹ tích tiêm được tổng cộng 5.501.212 mũi  vaccine phòng Covid-19 (5.000.898 mũi 1; 500.314 mũi 2) số người được tiêm 5.000.898 (60,3%) dân số và bằng (83,07%) người dân trong độ tuổi tiêm chủng trên 18 tuổi.

Những ngày tới, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định phòng chống dịch ở các cơ sở kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, đặc biệt là mũi 2; tiếp tục xét nghiệm nhất là đối với những người có triệu chứng ho, sốt, khó thở…; khẩn trương xây dựng trạm y tế lưu động.
Về ổ dịch mới phát hiện ở phường Việt Hưng, tại cuộc họp, đại diện quận Long Biên cho biết, liên quan đến ổ dịch tại Tổ 4 của phường Việt Hưng, tính từ 18/9 đến nay ghi nhận tổng số 12 trường hợp F0. Đến nay, quận đã cho rà soát lại toàn bộ các khu vực có các trường hợp liên quan đến F0, tiến hành khoanh vùng, phun khử khuẩn cũng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho khoảng hơn 4.000 người tại khu vực này và dự kiến ngày 20/9 sẽ có kết quả. 
Đại diện quận Thanh Xuân cũng cho biết, tình hình ổ dịch tại ngõ 328, 330 đường Nguyễn Trãi đến nay đã cơ bản được kiểm soát. Hiện nay tại khu vực này chỉ còn khoảng 100 người, chủ yếu là người già và mắc bệnh không thể di chuyển đi cách ly được. Vì thế, quận đã tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ hai ngõ này 2-3 ngày/lần để bảo đảm phòng, chống dịch. Cùng với đó, quận đang xây dựng kế hoạch để dự kiến từ ngày 28/9 tới sẽ đón toàn bộ người dân đang cách ly tập trung ở ký túc xá Trường Đại học FPT (Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất) trở về.
Tại cuộc họp, đại diện Sở Công Thương cho biết, việc cung ứng hàng hoá trên địa bàn TP tính đến ngày 19/9 ổn định và các quận, huyện chủ động đảm bảo đầy đủ hàng hoá thiết yếu cho các khu vực phong toả, cách ly y tế. Các nguồn hàng tại các hệ thống phân phối, siêu thị dồi dào, không có hiện tượng tăng giá đột biến.
Luỹ kế đến thời điểm này, toàn TP có 38/449 chợ kinh doanh thực phẩm, 8/1.800 cửa hàng tiện ích dừng hoạt động, 18 điểm siêu thị không đồng và 73 điểm bán hàng lưu động. Hiện nay có 70.120 nhân khẩu bị cách ly tại nơi cú trú và đều được các địa phương cung cấp lương thực, thực phẩm.
Về lĩnh vực công nghiệp, các Cụm công nghiệp vẫn đang sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn đến đâu tổ chức sản xuất đến đó. Còn trong thực hiện kế hoạch phục hồi, thúc đẩy kinh tế và xây dựng phương án đảm bảo an toàn trong lĩnh vực công thương sau 21/9, Sở đang trình TP phương án về thực hiện kế hoạch phục hồi, thúc đẩy kinh tế. Sở đang góp ý với Công an TP xây dựng phương án kiểm soát việc phương tiện ra vào TP. 
Sau ngày 21/9, nới lỏng phải đi kèm với phải kiểm soát chặt chẽ
Kết luận buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn nêu rõ, từ 24/7, trong đợt đầu Hà Nội giãn cách xã hội để phòng dịch, trung bình nghi nhận có 71,2 ca mắc mới/ngày, đến đợt giãn cách thứ 4 chỉ còn trung bình 25-27 ca/ngày và đến ngày 19/9, dự kiến cũng khoảng dưới 15 ca. Trên 60% toàn dân số đã được tiêm vaccine ít nhất 1 mũi.
Qua chiến dịch thần tốc vừa qua, TP đã xét nghiệm diện rộng trên 4 triệu người để bóc tách F0 khỏi cộng đồng và tỷ lệ ca mắc ngoài cộng đồng đã giảm từ 50 xuống còn 10%. Sau đó, TP đã điều chỉnh xét nghiệm theo hướng có trọng điểm, đúng đối tượng, khu vực nguy cơ.
Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, từ các mốc thời gian của từng loại vaccine, TP sẽ tiếp tục triển khai, đảm bảo sẽ tiêm vaccine mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2021. Đây là điều kiện quan trọng để thực hiện "mục tiêu kép". 
 TP Hà Nội đã tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19 cho trên 5,5 triệu người dân trên 18 tuổi 
Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy đã nghe Ban Cán sự Đảng UBND TP báo cáo và xem xét kỹ các đề xuất đến ngày 20/9 để có các chỉ đạo cụ thể, hiệu quả nhất.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng thông tin, theo định hướng chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, dự kiến sau 21/9, TP sẽ không chia 3 phân vùng nữa. Nơi nguy cơ rất cao, có ca F0 sẽ trở thành "điểm đỏ" với quy mô hẹp. ""Điểm đỏ" thì phải áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng; khu vực xuất hiện F0 và các gia đình lân cạnh phải phong tỏa, cách ly y tế. Khu vực lân cận là vùng vàng, còn lại là xanh. Việc kiểm soát dịch được thực hiện theo tinh thần “không có đỏ là tốt nhất, có thì phải thu hẹp tối đa”"- Phó Chủ tịch UBND TP cho biết.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cũng nêu rõ, kinh nghiệm thực tế cho thấy việc nới lỏng phải đi kèm với phải kiểm soát chặt chẽ. TP sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ Thủ đô. Hà Nội cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ để làm việc với các tỉnh thành lân cận để phối hợp quản lý người ra vào Thủ đô. 
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động các phương án phòng, chống dịch sau ngày 21/9. Sau ngày 21/9, TP sẽ xây dựng phương án phòng, chống dịch theo hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Trong đó, các địa phương cần chú trọng triển khai việc quét mã Qr Code.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cũng nêu rõ: Với các quận huyện đang có các "điểm đỏ", phải khoanh vùng chính xác, thần tốc truy vết, xét nghiệm để kiểm soát nhanh, không để dịch bệnh lây lan.
Cùng với đó, các quận huyện cần chú trọng các phương án bảo đảm phòng chống dịch cho các phương tiện đường bộ, đường hàng không về TP; việc đảm bảo các điều kiện cần thiết để các trường học trước đây các quận mượn làm nơi cách ly phục vụ cho việc chuẩn bị sẽ đón học sinh, sinh viên trở lại học tập. 
“Sau ngày 21/9, TP dự kiến sẽ cơ bản cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại với các điều kiện cụ thể để đảm bảo an toàn, vì thế phải chủ động các phương án phòng, chống dịch để triển khai. Các khu vực "điểm đỏ" sẽ không được xây dựng hoặc đang triển khai xây dựng mà có F0 thì phải dừng” - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần