Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội xây dựng thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái

Thế Vinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là một trong 5 TP đầu tiên thí điểm chương trình "TP an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái" từ năm 2012, hướng tới một không gian công cộng an toàn hơn, thân thiện hơn cho phụ nữ và trẻ em gái.

Trẻ em tại quận Long Biên, TP Hà Nội vui chơi tại sân chơi tái chế trong khu dân cư. Ảnh: Thế Vinh
Trẻ em tại quận Long Biên, TP Hà Nội vui chơi tại sân chơi tái chế trong khu dân cư. Ảnh: Thế Vinh

Theo số liệu từ Công an TP Hà Nội: Trong 3 năm từ năm 2019 - 2021 trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 397 vụ bạo lực gia đình, trong đó bạo lực tinh thần chiếm 37%, bạo lực thân thể chiếm 59,76%, 119 vụ trọng án liên quan đến bạo lực gia đình. Trong 10 năm từ năm 2008 – 2018, có 87.215 vụ ly hôn, trong đó có 19.520 vụ có yếu tố bạo lực về kinh tế, tinh thần, thể xác hoặc tình dục (chiếm 22,38% số vụ ly hôn).

Đối với trẻ em, những năm gần đây các vụ án xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Từ năm 2019-2021, Công an TP Hà Nội đã phát hiện 315 vụ xâm hại 359 trẻ em, đã xử lý hình sự 298 vụ chiếm 94,6%, xử lý hành chính 08 vụ chiếm 2,54% và nổi lên là các hành vi xâm hại tình dục chiếm tỷ lệ lớn 81,6%, các vụ bạo hành gia đình chiếm tỷ lệ nhỏ song hậu quả nghiêm trọng dẫn tới tử vong, loạn luân.

Đáng lo ngại là tính chất của các loại bạo lực ngày càng nghiêm trọng, có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào kể cả trên không gian mạng, thủ phạm là bất kỳ ai, trong nhiều vụ án nghiêm trọng lại chính là người thân trong gia đình, để lại hậu quả khôn lường cho cá nhân người bị bạo lực, gia đình và gây bức xúc dư luận xã hội.

Trước tình hình trên, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ TP và các ban, ngành ký Chương trình liên tịch số 01 về “Giáo dục thành viên trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”. Nhiều mô hình tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành pháp luật, phòng chống tội phạm, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, giải quyết các vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.

Trong khuôn khổ Dự án “TP an toàn và thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái”, Hội Phụ nữ Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ TP tổ chức 2 buổi tập huấn về vấn đề bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em cho hơn 100 cán bộ, hội phụ nữ cấp cơ sở của Công an TP. Qua các lớp tập huấn, cán bộ Hội Phụ nữ CATP đã có thêm kỹ năng trong việc tham gia triển khai các hoạt động bảo vệ và giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Theo số liệu ước tính mà Liên Hợp quốc vừa công bố, vào năm 2030, cứ 3 người thì có một người sinh sống ở các TP/đô thị với ít nhất nửa triệu dân. Theo số liệu này sẽ có khoảng 700 triệu trẻ em gái sẽ sinh sống tại các khu vực đô thị trên thế giới. Mô hình TP an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái được thiết kế để đáp ứng với các thách thức ngày càng gia tăng của vấn đề đô thị hóa thông qua việc trao quyền cho các em gái, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan để xây dựng các cộng đồng trở nên an toàn và thân thiện hơn.

Chương trình cũng nhằm giải quyết các vấn đề gốc rễ của xã hội dẫn đến nguy cơ không an toàn của các phụ nữ và trẻ em gái cũng như hướng tới việc chuyển đổi các quan niệm, định kiến xã hội đã củng cố các phân biệt về giới và tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.