Hà Nội xem xét cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 22/9, tại kỳ họp thứ hai, HĐND TP khóa XVI, HĐND TP đã xem xét về Quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP.

Theo Tờ trình của UBND TP do Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương trình bày, để có căn cứ triển khai Đề án Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP cho đến khi Đề án tổng thể về sức khỏe học đường cho giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt từ năm học 2021 – 2022, cần thiết phải xây dựng Nghị quyết để làm cơ sở thực hiện. 
Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp tiếp tục thực hiện chương trình Sữa học đường góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội cho đến khi Đề án tổng thể về sức khỏe học đường cho giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. Đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo (theo quy định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND TP ban hành), học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách theo quy định của Nhà nước: Ngân sách hỗ trợ 50%; doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%. 
Thời gian thực hiện chính sách kể từ năm học 2021 - 2022 cho đến khi Đề án tổng thể về sức khỏe học đường cho giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt. 
 Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương trình bày tờ trình tại Kỳ họp
Theo đó, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa tươi 05 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml. 
Đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD&ĐT: Ngân sách Thành phố đảm bảo kinh phí hỗ trợ.
Đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học học tại các cơ sở giáo dục còn lại trên địa bàn TP: Kinh phí thực hiện do ngân sách quận, huyện, thị xã đảm bảo theo phân cấp ngân sách.
Riêng năm 2021, đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD&ĐT: Ngân sách TP đảm bảo kinh phí hỗ trợ. 
12 quận gồm Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm: ngân sách quận đảm bảo kinh phí 
18 huyện, thị xã gồm Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Ứng Hòa: ngân sách TP bổ sung kinh phí để thực hiện hỗ trợ. 
Theo báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, cơ chế hỗ trợ, đóng góp tiếp tục thực hiện Chương trình Sữa học đường cho trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội nêu trên là phù hợp với khả năng hỗ trợ của doanh nghiệp, đóng góp của cha mẹ học sinh và khả năng cân đối ngân sách của TP.
Với đối tượng, phạm vi, nội dung chính sách được xác định nêu trên, Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị tên Nghị quyết sửa lại là: “Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp tiếp tục thực hiện Chương trình Sữa học đường góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội”.