Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới đổ được bình xăng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nỗi vất vả của nhiều người dân khi đi đổ xăng trên địa bàn TP Hà Nội ngày 2/11.

Người dân xếp hàng mua xăng dầu tại cây xăng Nam Đồng chiều ngày 2/11. Ảnh: Hoài Nam
Người dân xếp hàng mua xăng dầu tại cây xăng Nam Đồng chiều ngày 2/11. Ảnh: Hoài Nam

Anh Lê Hà (quận Cầu Giấy) phản ánh, mặc dù cây xăng trên đường Nguyễn Phong Sắc vẫn hoạt động bình thường nhưng lượng khách mua xăng quá đông khiến anh mất gần 45 phút để đổ đầy bình xăng xe ô tô. Thực tế cho thấy, không chỉ anh Thành mới gặp tình trạng này, các hội nhóm trên mạng xã hội FB như OFFB cũng xuất hiện nhiều phản ánh  hiện tượng vất vả xếp hàng khi mua xăng, dầu.

Người dân xếp hàng mua xăng dầu tại cây xăng Nam Đồng chiều ngày 2/11. Ảnh: Hoài Nam
Người dân xếp hàng mua xăng dầu tại cây xăng Nam Đồng chiều ngày 2/11. Ảnh: Hoài Nam

Thành viên Lê Hữu Thảo (OFFB) phán ánh, trưa ngày 2/11, cửa hàng bán lẻ xăng dầu nằm ở góc phố Thanh Nhàn giao Võ Thị Sáu (công ty TNHH Xăng dầu Phú Thụy) dù lắp đặt khoảng 5 trụ bơm nhưng chỉ có hai nhân viên bán hàng. Thời gian tiếp nhiên liệu quá lâu khiến người dân xếp hàng chen cứng lối vào, tràn xuống lòng đường, gây ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông. Đặc biệt, cây xăng dầu 436 Trần Khát Chân (công ty CP Xăng dầu HFC) chỉ bán dầu và xăng E5 RON 92, treo biển hết xăng RON 95, tình trạng hết xăng RON 95 của cây xăng Trần Khát Chân đã xuất hiện từ 1/11 nhưng đến nay vẫn chưa thấy khắc phục. Tại cây xăng Nam Đồng trên phố Nguyễn Lương Bằng, mặc dù 6 trụ bơm xăng hoạt động hết công suất nhưng lượng khách hàng đổ về mua xăng khá đông nên người mua phải đợi 15-20 phút mới đến lượt.

Người dân xếp hàng mua xăng dầu tại cây xăng trên phố Nguyễn Đình Chiểu chiều ngày 2/11. Ảnh: Hoài Nam
Người dân xếp hàng mua xăng dầu tại cây xăng trên phố Nguyễn Đình Chiểu chiều ngày 2/11. Ảnh: Hoài Nam

Lý giải nguyên nhân khiến người dân phải mất nhiều thời gian xếp hàng mua xăng, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, báo cáo của các thương nhân phân phối  như: công ty CP Xăng dầu Thụy Dương, công ty CP Nông sản Agrexim, công ty CP Thiết bị xăng dầu Miền Bắc, công ty TNHH Vận tải Hà Sơn… cho thấy, từ cuối tháng 9/2022 đến nay, nguồn hàng xăng dầu gặp khó khăn. Nhiều thương nhân đầu mối từ chối cấp hàng cho thương nhân phân phối để tập trung nguồn hàng cho các cửa hàng trực thuộc và các đại lý thuộc hệ thống, do đó, nguồn hàng của các thương nhân phân phối không ổn định.

Thông tin của những DN quản lý cửa hàng xăng dầu cho thấy, nguồn hàng cung cấp cho cửa hàng chỉ khoảng 80% so với thời gian trước, tuy nhiên, lượng cấp mỗi lần nhỏ giọt, tương đương sản lượng trung bình bán ra trong vòng 1-2 ngày của cửa hàng. Bên cạnh đó, việc lấy hàng tại kho của các đầu mối cũng gặp khó khăn, đối với cửa hàng không sử dụng xe sitec của đầu mối mà sử dụng xe riêng đến lấy hàng phải xếp hàng chờ 7 tiếng mới được hàng (so với trước chỉ 2 tiếng). Ngoài ra, các xe sitec chở xăng dầu lại thuộc danh mục xe không được vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm, vì vậy, khi cửa hàng tạm thời hết hàng thì cũng không được cấp hàng kịp thời. Đại diện công ty CP Xăng dầu Thụy Dương cho biết, do nguồn xăng dầu của các thương nhân phân phối không được thương nhân đầu mối ưu tiên cấp hàng như các đại lý, cửa hàng trực thuộc hệ thống của đầu mối, vì vậy, nguồn hàng của các doanh nghiệp phân phối không ổn định.

Người dân xếp hàng mua xăng dầu tại cây xăng Nam Đồng chiều ngày 2/11. Ảnh: Hoài Nam
Người dân xếp hàng mua xăng dầu tại cây xăng Nam Đồng chiều ngày 2/11. Ảnh: Hoài Nam

Nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm 2022, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và những tháng đầu năm 2023, Sở Công Thương sẽ tổng hợp danh sách các đơn vị đăng ký cho xe sitec vận chuyển xăng dầu được hoạt động 24/24h để đảm bảo cung ứng xăng dầu kịp thời vào khu vực nội thành vào các khung giờ ban ngày, cao điểm, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt cho phép các xe được vận chuyển trên địa bàn. Tổng hợp nhu cầu vốn của các doanh nghiệp xăng dầu để báo cáo cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp khi chiết khấu thấp hoặc bằng 0. Trước mắt, kết nối với 7 ngân hàng thương mại tham gia Chương trình bình ổn thị trường của TP hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn. “Để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu, bên cạnh sự hỗ trợ của TP Hà Nội, đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo doanh nghiệp đầu mối, sản xuất xăng dầu chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường như kế hoạch cam kết từ đầu năm. Đồng thời, có giải pháp xử lý đối với các đơn vị đầu mối có hành vi giảm chiết khấu bán hàng không hợp lý, đẩy doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vào tình trạng thua lỗ, gián tiếp làm mất ổn định thị trường”-bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.