Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trật tự xây dựng

Thủy Tiên - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/3, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức Phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND TP khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng.

Tại phiên giải trình, có 17 câu hỏi và 21 lượt trả lời đại diện sở, ngành, quận, huyện, xã, phường… tập trung vào các vấn đề vi phạm về quản lý quy hoạch, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, kiến trúc theo dự án được phê duyệt và vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên giải trình.
Sau phần giải trình của các đại diện sở, ngành, quận, huyện, phường, phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, để chuẩn bị cho phiên giải trình, Ban Cán sự đảng UBND TP đã họp và có báo cáo giải trình 7 nhóm vấn đề gửi các đại biểu HĐND TP. Có 17 lượt đại biểu HĐND TP đặt câu hỏi, chất vấn thêm. Ngoài nội dung báo cáo, giải trình của lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã..., Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung làm rõ thêm một số vấn đề trong phiên giải trình.
Trước tiên, thay mặt UBND TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trân trọng cảm ơn các đại biểu đã chọn vấn đề công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP để đưa ra phiên giải trình này.
Báo cáo thêm để nhằm làm rõ phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP nêu thực trạng về sai phạm TTXD trên địa bàn TP chủ yếu ở 4 nhóm là: Vi phạm TTXD ở công trình dự án do Chủ đầu tư là công ty; vi phạm của cá nhân hộ gia đình; vi phạm trên đất nông nghiệp (đất công do UBND xã quản lý, đất giao cho các hộ làm nông nghiệp); phát sinh đối với TTXD với nhà siêu mỏng siêu méo; vi phạm trật tự quản lý tại các khu rừng phòng hộ. Những vi phạm diễn ra trong thời gian ở nhiều mức độ khác nhau, nhiều công trình gây ra nhiều bức xúc cho cử tri; cũng đã có sự chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, của cả hệ thống cơ quan báo chí T.Ư và TP, có nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri trên địa bàn,…
Trước tình trạng đó, Thành ủy đã có Chỉ thị 08 để lãnh đạo các cấp lập lại TTXD. UBND TP đã ban hành nhiều biện pháp và lộ trình giải quyết cụ thể.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND TP cho rằng một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là việc phát hiện vi phạm ở cơ sở không kịp thời, thậm chí có biểu hiện bao che làm ngơ cho những vi phạm của cán bộ cơ sở.
Nhận thấy điều đó, TP đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho TP thí điểm sắp xếp lại Đội thanh tra quản lý xây dựng. Tiếp đó tổ chức nhiều đoàn thanh tra công vụ để rà soát lại những kiến nghị của cử tri. Đồng thời, tiếp nhận các đơn thư khiếu nại của người dân, phản ánh của báo chí để tiến hành kết luận của Thanh tra, nhiều kết luận nhanh chóng. Từ đó đến nay đã có 10 công trình vi phạm đã chuyển Công an TP, trong đó điển hình là công trình HH ở Linh Đàm. Trên cơ sở tổ chức kiểm tra cụ thể rà soát các vi phạm trên địa bàn đến tháng 6/2016, TP yêu cầu từng đơn vị tiến hành khắc phục, đến nay đã khắc phục được 500 công trình.
Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng chỉ rõ trong 3 năm vừa qua vẫn có những công trình phát sinh và vi phạm nghiêm trọng. Về vấn đề này, có trách nhiệm của chính quyền của các cấp, của UBND TP và của Chủ tịch UBND TP.
Để khắc phục, UBND TP tiếp tục rà soát các nội dung kết luận của Thanh tra TP, tiếp tục cử các đoàn thanh tra. Đặc biệt, UBND TP đã đôn đốc Thanh tra TP đã có công bố kết luận với vi phạm tại rừng Sóc Sơn để UBND huyện Sóc Sơn và 9 xã trên địa bàn huyện, Sở NN&PTNT và Sở Xây dựng xử lý dứt điểm các vi phạm này.
Liên quan các công trình do chủ DN vi phạm, TP đã cương quyết với những chủ công trình này phải khắc phục xử lý những vi phạm, nếu không sẽ không có chủ trương cấp phép đầu tư các dự án mới.
Đối với những công trình vi phạm qua các thời kỳ khác nhau, như mương Phan Kế Bính và mương Nguyễn Khánh Toàn, Chủ tịch UBND TP cho biết: Tháng 6/2018 TP đã chỉ đạo xử lý xong, hiện còn 2 công trình vẫn đang tồn tại do còn thời hạn hợp đồng. Chủ công trình cũng cam đoan sẽ tháo dỡ khi hết thời hạn hợp đồng, phù hợp với tiến độ dự án cống hóa mương. “Tinh thần của TP là cương quyết, không châm chước bất kỳ trường hợp nào” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Phiên giải trình của Thường trực HĐND Hà Nội về quản lý trật tự xây dựng diễn ra sáng 25/3
Hiện nay, tình trạng vi phạm trên đất nông nghiệp còn diễn biến phức tạp. TP cho rằng tình trạng này là do cán bộ cơ sở buông lỏng quản lý, cấp TP cũng không thanh tra không kịp thời. Đã có 98 cán bộ Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã phường bị kỷ luật và cách chức, nhiều cán bộ thanh tra đã bị xử lý vì để xảy ra vi phạm. Thậm chí, theo báo cáo, có những trường hợp có dấu hiệu tội phạm làm giả giấy tờ, hợp pháp hóa những sai phạm này. Vì thế, Công an TP sẽ xử lý nghiêm những trường hợp dung túng hợp pháp hóa những công trình vi phạm.
Chủ tịch UBND TP cho biết: Trên địa bàn TP hiện còn 132 công trình nhà siêu mỏng siêu méo tồn tại. Ngoài việc khắc phục những vi phạm, trong thời gian tới, khi tiến hành đo đạc, TP sẽ tập trung GPMB cho người dân đối với những mảnh đất 30m không đủ xây nhà, để trồng cây hoa. Đối với những vi phạm mới, TP sẽ chỉ đạo Chủ tịch các cấp xử lý dứt điểm các công trình vi phạm.
Nhân đây, Chủ tịch UBND TP mong muốn đại biểu HĐND TP tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện các kế hoạch của TP đối với 4 nội dung phiên giải trình đưa ra. Đồng thời đề xuất với đoàn giám sát tối cao của Quốc hội cần phải có chế tài xử lý mạnh mẽ đối với chủ thầu xây dựng và cá nhân xây dựng để xảy ra vi phạm.
Chủ tịch UBND TP cũng mong muốn HĐND TP chỉ đạo HĐND các quận huyện cùng cử tri vào cuộc giám sát những nội dung trên. Đồng thời cho biết, trong 1/7/2019, UBND TP sẽ ra mắt Cổng thông tin để tiếp nhận và trả lời các phản ánh của người dân về những vấn đề TTXD, TTGT, ứng xử văn hóa… để hạn chế thấp nhất tiến tới khắc phục hoàn toàn những vi phạm trên địa bàn TP.