Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật TP, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ban hành năm 2022 với mục tiêu hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
Đồng thời cụ thể hóa đầy đủ các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã quy định cụ thể và đầy đủ phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” để mọi người dân được phát huy quyền làm chủ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Hội nghị phổ biến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Tiếp cận thông tin nhằm củng cố, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ báo cáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật thành phố Hà Nội (được kiện toàn theo Quyết định số 2710/QĐ-UBND ngày 12/5/2023 của UBND TP Hà Nội) và báo cáo viên pháp luật quận, huyện, thị xã.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cũng đề nghị, sau hội nghị, các đại biểu vận dụng vào thực tế công tác, tiếp tục thực hiện tuyên truyền, triển khai sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Tiếp cận thông tin trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và Nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho 11 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở năm 2022.