Thiếu quy chuẩn
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện nay có một số doanh nghiệp tiến hành sản xuất, lắp ráp ô tô điện như VinFast với xe điện chạy pin (BEV); Hyundai Thành Công với xe điện chạy pin (BEV) và xe hybrid (HEV); Thaco với xe hybrid (HEV) và plug-in hybrid (PHEV); TMT với xe điện chạy pin cỡ nhỏ (mini-BEV).
Về số lượng xe điện, năm 2023, cả nước có 15.676 xe BEV và 5.220 xe HEV/PHEV được tiêu thụ tại việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 17.536 xe BEV được tiêu thụ tại Việt nam, bao gồm: 17.482 xe sản xuất, lắp ráp trong nước và 54 xe nhập khẩu.
Điều này cho thấy, xe điện ở Việt Nam được người tiêu dùng ngày càng đón nhận và phát triển. Trong lộ trình chuyển đổi xanh phương tiện giao thông, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các hỗ trợ về tài chính dành cho người dùng, các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân đều bày tỏ mối quan tâm đối với thị trường cung cấp thiết bị và dịch vụ cho phương tiện giao thông điện. Đặc biệt là trạm sạc điện cho xe ô tô điện.
Tại Việt Nam, VinFast là đơn vị tiên phong đầu tư mạng lưới hạ tầng trạm sạc với kế hoạch phủ khoảng 150.000 cổng sạc khắp 63 tỉnh thành.
Theo thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành, trên thực tế một bộ phận không nhỏ người dân đã nhận thức được hiệu quả về môi trường mà phương tiện xanh mang lại. Họ cũng có mong muốn chuyển đổi sang sử dụng xe máy, ô tô điện… nhưng vẫn ngần ngại do hạ tầng trạm sạc, sửa chữa còn thiếu và yếu; nhiều mẫu xe điện chưa thuyết phục được khách hàng về chất lượng, giá cả.
“Nếu cơ quan quản lý Nhà nước có giải pháp nhanh chóng phát triển hạ tầng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu ra của phương tiện xanh sẽ khuyến khích người dân nhanh chóng thay đổi nhận thức và lựa chọn của mình” - thạc sĩ Phan Trường Thành nói.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, mức độ tăng trưởng trạm sạc xe của Việt Nam thời gian gần đây cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, số lượng trạm sạc điện vẫn còn hạn chế, bên cạnh đó trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam chưa có quy chuẩn đối với hệ thống trạm sạc xe điện.
“Nếu không kịp thời có chính sách hỗ trợ phát triển mạng lưới trạm sạc, chưa xây dựng hoàn thiện được quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc thì sẽ dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong triển khai hệ thống các trạm sạc trên cả nước.” - Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhận định.
Gỡ vướng cho doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, cùng với lộ trình chuyển đổi phương tiện xanh theo cam kết của Việt Nam tại COP26 và Quyết định số 876/QĐ - TTg ngày 2/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến số lượng xe điện tại Việt Nam sẽ ngày càng tăng trưởng trong tương lai, đặt ra các yêu cầu đáp ứng về hạ tầng trạm sạc.
Hơn nữa, hiện thế giới có 5 chuẩn sạc của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và chuẩn toàn cầu (gồm châu Âu, dựa trên chuẩn do Tesla phát triển) dành cho 2 loại trụ sạc AC (xoay chiều) và DC (một chiều).
Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước về trụ/thiết bị sạc điện, trước đó, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ KH&CN sớm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện, đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam. Việc này cần triển khai theo quy trình rút gọn để có thể hoàn thành trong tháng 9/2024.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ GTVT bổ sung quy hoạch xây dựng các trạm sạc điện ở tất cả tòa nhà, khu dân cư, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc. Chính quyền địa phương cũng cần rà soát, bổ sung các địa điểm có thể xây dựng được trạm sạc xe điện.
Thạc sĩ Phan Trường Thành cho rằng, việc hạ tầng trạm sạc xe điện còn thiếu và yếu đang làm thách thức lớn đối với cuộc cách mạng chuyển đổi phương tiện cá nhân từ xe xăng sang xe điện.
Theo vị chuyên gia này, muốn thay đổi thói quen, nhận thức để người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh thì trước hết phải có hạ tầng phát triển dành riêng cho loại hình này, đủ điều kiện cung cấp dịch vụ, giúp xe điện hấp dẫn và tiện lợi hơn.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần có quy hoạch cụ thể mạng lưới điện phù hợp, thích ứng với mục tiêu phổ biến xe điện. Bên cạnh đó là mở rộng các trạm sạc trên những tuyến đường có mật độ giao thông cao, tốt nhất là theo tỷ lệ 1:1 với cây xăng, dầu. Cứ nơi nào có một điểm bán xăng, dầu thì tối thiểu có một trạm sạc điện cho ô tô, xe máy.
Các nhà sản xuất xe cũng cần nghiên cứu, cải tiến công nghệ để việc nạp nhiên liệu cho xe điện đơn giản, dễ dàng và đồng nhất. Mục tiêu là mỗi cá nhân, gia đình đều có thể tự sạc xe cho mình, hoặc dễ dàng tìm kiếm trạm sạc như tìm kiếm cây xăng. Đó là điều kiện rất quan trọng để xe điện phát triển mạnh trong đời sống xã hội.