Đê sông Lam trở thành bãi chứa rác thải
Dọc đê hữu sông Lam, đoạn qua địa bàn thị trấn Xuân An, xã Xuân Giang và thị trấn Tiên Điền rác thải sinh hoạt vứt bỏ tràn lan, bừa bộn. Hàng chục, thậm chí hàng trăm tấn bao bì, chai lọ, túi ni long ùn ứ lâu ngày trên thân đê, mái đê, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Rác thải sinh hoạt, phế thải vật liệu xây dựng chất thành từng đống lớn, biến nhiều đoạn đê hữu sông Lam trở thành bãi chứa rác. Hệ lụy, vừa mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị vừa không đảm bảo an toàn cho tuyến đê chống lũ.
“Rác thải ùn ứ lâu ngày không được thu gom, xử lý. Ngày nắng bốc mùi hôi thối nồng nặc, những lúc mưa gió nước chảy lênh láng khắp nơi, khiến cho môi trường bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của Nhân dân. Chúng tôi mong muốn, đề xuất Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Nghi Xuân nhanh chóng vận chuyển rác đưa đi xử lý, hạn chế ô nhiễm môi trường, phòng ngừa phát sinh dịch bệnh” - ông Trần Hữu Cửu ở tổ dân phố 7, thị trấn Xuân An bức xúc phản ánh.
Những phản ánh của người dân, nhất là ở khu vực dọc đê hữu sông Lam là có cơ sở. Bởi trên tuyến đê xung yếu này, nhiều đoạn rác thải đã gần như lấp kín thân đê, mái đê và tràn xuống mép sông cầu Bến Thủy.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An Ngô Đăng Ký cho biết, bình quân mỗi tháng trên địa bàn rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 140 tấn. Do chưa quy hoạch được bãi tập kết rác, nên tổ thu gom của địa phương (gồm 5 người) phải tạm thời đưa rác ra đê hữu sông Lam tập kết để Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Nghi Xuân vận chuyển, đưa đi xử lý.
“Rác thải tồn đọng với khối lượng lớn trên đê, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vấn đề này địa phương cũng đã yêu cầu Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Nghi Xuân nhanh chóng thu gom, xử lý. Tuy nhiên, qua nắm bắt thì xe vận chuyển rác chuyên dụng của công ty đang bị hỏng” - ông Ngô Đăng Ký thông tin.
Bế tắc xử lý rác thải sinh hoạt.
Qua tìm hiểu được biết, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại 17 xã, thị trấn ở huyện Nghi Xuân khoảng 35,6 tấn/ngày. Những dịp cao điểm như lễ tết, mùa du lịch, mưa lũ… lượng rác thải phát sinh nhiều hơn, nhất là ở bãi biển Xuân Thành, Cương Gián, dọc sông Lam và các điểm tham quan du lịch.
Khối lượng rác thải phát sinh rất lớn, trong khi đó tại huyện Nghi Xuân mới chỉ có 2 khu xử lý rác tập trung của Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Nghi Xuân và Hợp tác xã Tân Phát.
Hai khu xử lý rác này công suất đốt khoảng 27,2 tấn/ngày trong trường hợp vận hành đều đặn. Còn nếu như máy móc bị hư hỏng, bão dưỡng, hoặc việc vận chuyển, xử lý không kịp thời thì khối lượng rác thải tồn đọng tại các tổ dân phố, khu dân cư sẽ nhiều hơn.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Hải - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Nghi Xuân cho biết, lượng rác tồn đọng tại khu xử lý từ năm 2007 đến nay khoảng 20.000 tấn. Nguyên nhân, vì trước đây việc xử lý chủ yếu bằng chôn lấp, sau đó mới đầu tư xây dựng lò đốt công suất 1 tấn/giờ, nên không thể xử lý kịp thời, hiệu quả.
“Hiện nay đơn vị đã đề xuất huyện Nghi Xuân và các bên liên quan đầu tư thêm 1 lò đốt để nâng công suất xử lý, còn nếu chỉ vận hành 1 lò đốt như lâu nay thì việc xử lý rác hoàn toàn bế tắc. Đó là nguyên nhân mà rác thải tồn đọng tại đê hữu sông Lam chưa thể vận chuyển, xử lý kịp thời” - ông Hoàng Văn Hải chia sẻ.
Khu xử lý rác thải tập trung lò đốt công suất nhỏ, hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều khi quá tải, không thể xử lý. Trong khi đó, rác thải sinh hoạt cứ phát sinh từng giờ, từng ngày, điều này cũng đồng nghĩa với việc các tổ dân phố, khu dân cư sẽ đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn.
Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Lê Hữu Phong - Chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Xuân cho biết, rác thải sinh hoạt trên địa bàn luôn quá tải. Các khu xử lý rác không thể thu gom, xử lý kịp thời, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và cuộc sống, sinh hoạt của Nhân dân.
“Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt trong Nhân dân, đồng thời xây dựng đề án trình lên tỉnh để có phương án quy hoạch, nâng công suất xử lý rác tại các nhà máy, nhưng chưa có kết quả” - ông Lê Hữu Phong cho biết thêm.
Nghi Xuân là huyện đầu tiên ở tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn huyện nông thôn mới, và đang thực hiện đề án xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch. Vậy nhưng, việc xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều bất cập, không kịp thời, trở thành rào cản không hề nhỏ trong nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.