Gần đây, thời tiết diễn biến thất thường, nắng nóng gay gắt, cục bộ diễn ra ở nhiều vùng miền trong cả nước. Trong đó, riêng khu vực miền núi phía Tây tỉnh Hà Tĩnh nhiệt độ liên tục tăng cao, có nơi trên 38 độ C, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng khó kiểm soát.
Huyện miền núi Hương Sơn hiện có hơn 84 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có khoảng 20 nghìn ha rừng thông, keo được xác định là rừng trọng điểm dễ cháy. Để phòng ngừa nguy cơ thiệt hại, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng đã chủ động triển khai nhiều phương án phòng, chống cháy rừng.
"Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức ký cam kết phòng cháy, chữa cháy rừng cho các hộ gia đình, trường học, đơn vị đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại hiện trường, giám sát việc thực hiện phương án phòng cháy tại các địa phương, đơn vị chủ rừng. Qua đó, kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng", ông Nguyễn Xuân Lâm- Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Sơn Giang, huyện Hương Sơn cho biết.
Dịp cao điểm nắng nóng tại các khe suối, hồ đập ở những khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thường thu hút rất đông người dân đến giải nhiệt. Qúa trình vui chơi, tổ chức ăn uống chỉ cần một sơ suất nhỏ khi sử dụng lửa là có thể xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, tại một số khu rừng có các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, lưu lượng người tham quan đông cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Trao đổi với phóng viên, Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh Nguyễn Hải Vân cho biết, đơn vị hiện quản lý, bảo vệ gần 10 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong rừng có chùa Hương Tích, chùa Hang, chùa Thiên Tượng, chùa Long Đàm... là những nơi thu hút rất đông người dân, du khách thập phương đến thắp hương, tham quan, vãn cảnh.
"Dịp cao điểm nắng nóng, đơn vị phối hợp với lực lượng kiểm lâm lập các chốt kiểm soát người vào khu vực rừng trọng điểm, dễ cháy. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, huy động lực lượng trực gác thường xuyên ở các chòi canh lửa, chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và ứng cứu kịp thời nếu có cháy rừng xảy ra", ông Nguyễn Hải Vân thông tin.
Tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 360 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có khoảng 120 nghìn ha rừng (thông, keo, bạch đàn tái sinh) dễ cháy. Bước vào mùa nắng nóng, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh và các địa phương, đơn vị chủ rừng đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai nhiều phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.
"Đơn vị tập trung bám sát chỉ đạo của cấp trên, chủ động triển khai các phương án BVR- PCCCR. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, thực hiện phương án "4 tại chỗ"; tiếp tục tăng cường lực lượng trực gác, giám sát người ra vào rừng, phát hiện sớm các điểm phát lửa để kịp thời khống chế, dập tắt đám cháy. Nếu xảy ra cháy rừng sẽ phối hợp với các bên liên quan điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân để xử lý theo quy định của pháp luật", ông Phan Thanh Tùng- Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết.
Nắng nóng gay gắt, có thể kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn tiềm ẩn. Đặc thù ở tỉnh Hà Tĩnh, diện tích rừng trọng dễ cháy chiếm tỷ lệ lớn, vì vậy bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành kiểm lâm, các địa phương, đơn vị chủ rừng thì mỗi người dân cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa nắng nóng.