Hà Tĩnh: Giải pháp nào để cải thiện môi trường đô thị

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 4 năm, TP Hà Tĩnh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Vậy nhưng, việc xử lý rác, nước thải sinh hoạt còn khó khăn, tình trạng ngập úng cục bộ thường diễn ra, ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân đô thị.

TP Hà Tĩnh phấn đấu trở thành đô thị trung tâm vùng Bắc Trung bộ
TP Hà Tĩnh phấn đấu trở thành đô thị trung tâm vùng Bắc Trung bộ

Băn khoăn xử lý rác, nước thải sinh hoạt

Đường Ngô Quyền qua địa bàn xã Thạch Trung và xã Đồng Môn, tuyến giao thông huyết mạch được xem là đường vành đai thúc đẩy phát triển kinh tế -  xã hội của TP Hà Tĩnh, nhưng hiện nhiều đoạn thường xuyên bị ô nhiễm bởi rác thải sinh hoạt.

Nhiều đoạn trên tuyến đường Ngô Quyền rác thải ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường
Nhiều đoạn trên tuyến đường Ngô Quyền rác thải ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường

Dọc tuyến đường này, công tác thu gom, trung chuyển và xử lý rác chưa kịp thời nên lâu ngày rác thải bị ùn ứ, bốc mùi hôi thối. Đặc biệt, sau mỗi trận mưa, nước từ các đống rác chảy ra đen ngòm, khiến cho việc đi lại, lao động sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

“Mỗi lần đi qua đường Ngô Quyền, nếu ngồi xe ô tô đóng kín cửa thì còn đỡ, nhưng nếu đi xe máy thì mùi hôi thối không thể chịu nổi vì rác thải quá nhiều. Theo tôi, việc trung chuyển, xử lý rác thải cần thực hiện kịp thời hơn, trả lại môi trường không khí trong lành” - ông Nguyễn Văn Ba, ở phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) phản ánh.

Nếu như việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại một số xã, phường chưa kịp thời, hiệu quả thì tại các phường trung tâm như: Bắc Hà, Nam Hà, Hà Huy Tập, Tân Giang… việc xử nước thải sinh hoạt còn nhiều bất cập.

Nước sông Cụt đen ngòm vì hứng chịu rác thải, nước thải sinh hoạt từ nhiều phường của TP Hà Tĩnh.
Nước sông Cụt đen ngòm vì hứng chịu rác thải, nước thải sinh hoạt từ nhiều phường của TP Hà Tĩnh.

Hầu hết các hộ gia đình, các tổ dân phố đều trực tiếp xả nước thải sinh hoạt vào các kênh mương rồi sau đó chảy vào hồ điều hòa, hoặc chảy vào Hào Thành, sông Cụt. Trong khi đó hệ thống kênh mương được xây dựng đã lâu, thiết kế hẹp, gây nên hiện tượng nước thải ùn ứ, không tiêu thoát kịp thời khiến nguồn nước ứ đọng đen ngòm, bốc mùi hôi tanh.

Chủ tịch UBND phường Tân Giang Lê Hữu Hiệp cho biết, hệ thống kênh mương nhìn chung còn bất cập vì đầu tư dàn trải, không đồng bộ. Lây nay nước thải sinh hoạt chủ yếu chảy vào Hào Thành và sông Cụt, do vậy địa phương mong muốn “Dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu của TP Hà Tĩnh” sớm triển khai nhằm góp phần cải thiện, làm sạch môi trường đô thị.

Cần sớm có giải pháp phù hợp 

Xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt kịp thời, hiệu quả là yếu tố quan trọng góp phần phòng ngừa ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Đây cũng là mục tiêu xây dựng đô thị TP Hà Tĩnh theo hướng văn minh, hạ tầng kết nối đồng bộ, từng bước hiện đại, thân thiện với môi trường.

Hệ thống mương thoát nước ở TP Hà Tĩnh nhiều nơi bị đất cát bồi lắng, ách tắc dòng chảy.
Hệ thống mương thoát nước ở TP Hà Tĩnh nhiều nơi bị đất cát bồi lắng, ách tắc dòng chảy.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay của TP Hà Tĩnh là việc xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải vật liệu xây dựng, nước thải… nhìn chung vẫn chưa kịp thời. Hiện tượng ngập cục bộ sau mỗi trận mưa lớn thường diễn ra, các giải pháp ứng phó đôi khi còn bị động, lúng túng. Do vậy, việc cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đô thị, nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng thoát thải, đáp ứng tốc độ đô thị hóa nhanh là hết sức quan trọng.

Ông Đặng Hòa Bình - Trưởng phòng Quản lý khai thác, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, nhiều tuyến kênh cấp nước của đơn vị đi qua địa bàn các phường, xã của TP Hà Tĩnh có nhiệm vụ cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nhưng đang phải hứng chịu cả nước thải, rác thải sinh hoạt của người dân.

“Khi quy hoạch xây dựng hạ tầng đô thị, theo tôi các bên liên quan cần khảo sát, cân nhắc, tách hệ thống kênh mương xả nước thải sinh hoạt ra khỏi công trình thủy lợi mới có thể phòng ngừa hiện tượng bồi lắng, ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường” - ông Đặng Hòa Bình kiến nghị.

Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh thu gom, xử lý rác thải trên tuyến đường Phan Đình Phùng.
Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh thu gom, xử lý rác thải trên tuyến đường Phan Đình Phùng.

Còn đối với Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh, bên cạnh nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải còn phải tổ chức nạo vét kênh mương, tiêu úng thoát nước khu vực TP Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Công Hoài - Phó Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh cho biết, hầu hết các tuyến mương đều quá nhỏ, khối lượng bùn đất, rễ cây nhiều nên rất khó tiêu úng, thoát nước. Mỗi lần tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy phải tăng cường nhân công, máy móc và mất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Kênh mương nhỏ hẹp, rác rưởi, cỏ cây nhiều, ảnh hưởng đến tiêu úng, thoát nước ở TP Hà Tĩnh.
Kênh mương nhỏ hẹp, rác rưởi, cỏ cây nhiều, ảnh hưởng đến tiêu úng, thoát nước ở TP Hà Tĩnh.

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay TP Hà Tĩnh đang tích cực thực hiện “Dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu” với tổng mức đầu tư hơn 142 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát trển châu Á (ADB) hơn 100 triệu USD, còn lại là nguồn đối ứng từ ngân sách tỉnh. Dự án sẽ triển khai thực tế từ năm 2024 - 2029.

TP Hà Tĩnh huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng đồng bộ, thân thiện với môi trường.
TP Hà Tĩnh huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng đồng bộ, thân thiện với môi trường.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Nguyễn Duy Đức cho biết, địa phương đang tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp các công trình hạ tầng, mở rộng trồng cây xanh khu vực đô thị; chú trọng xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng môi trường.

"Đối với “Dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu của TP Hà Tĩnh” đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất dự án, địa phương đang lập báo cáo tiền khả thi để dự án được thực hiện đúng lộ trình. Đây là dự án đặc biệt quan trọng, góp phần tăng cường khả năng thoát nước, giảm thiểu ngập úng đô thị, đảm bảo kết nối TP Hà Tĩnh với các vùng phụ cận và nhiều mục tiêu quan trọng khác", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh thông tin.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần