Khai thác tận diệt vụ cá Nam
Theo quan niệm của ngư dân vùng biển tỉnh Hà Tĩnh, vụ cá Nam bắt đầu từ tháng 5 đến khoảng tháng 10 dương lịch. Thời điểm này nguồn lợi thủy sản dồi dào, nhất là cá, tôm, ngao sò và các loài nhuyễn thể thường xuất hiện ở vùng gần bờ với số lượng lớn.
Thời tiết thuận lợi, lại là mùa cao điểm du lịch biển, nên gần như thủy sản khai thác đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Do vậy, tất cả ngư dân đều phấn khởi đầu tư tàu thuyền, ngư lưới cụ dồn sức đánh bắt thủy sản.
Cũng chính vì nguồn lợi thủy sản trong vụ cá Nam dồi dào, giá trị kinh tế cao, nên tàu thuyền hành nghề lưới kéo (tàu giã cào) khai thác sai luồng quy định, khai thác tận diệt gần bờ diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt, nhiều nhất là ở vùng biển các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà và các xã bãi ngang của huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên...
Qua tìm hiểu được biết, đặc thù của vùng biển Hà Tĩnh mà tàu giã cào thường càn quét, trước hết là ở đó nguồn lợi thủy sản phát triển nhiều hơn so với các nơi khác. Độ sâu của nước vừa phải, đáy biển không có đá, rạn san hô, hoặc tàu giã cào lợi dụng khi không có các lực lượng tuần tra, kiểm soát, nhất là vào đêm tối.
Tiếp xúc với phóng viên, nhiều ngư dân bức xúc cho rằng, bước vào vụ cá Nam là thời điểm tàu thuyền công suất lớn ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An...ráo riết đến vùng biển Hà Tĩnh dùng lưới kéo đôi, lưới kéo đơn kết hợp xung điện, thậm chí thuốc nổ đánh bắt thủy sản. Việc đánh bắt trái phép này không chỉ làm tận diệt, hủy hoại nguồn lợi thủy sản, mà còn càn quét, phá hỏng ngư lưới cụ khai thác truyền thống trên biển.
“Tàu thuyền của ngư dân Hà Tĩnh chủ yếu công suất nhỏ, khai thác gần bờ, số lượng người trên mỗi thuyền ít hơn nhiều so với tàu giã cào nên muốn ngăn chặn, xua đuổi gần như không thể thực hiện. Nếu chẳng may có xung đột xẩy ra trên biển thì rất khó đảm bảo an toàn cả tính mạng, tài sản trên tàu” - một ngư dân bức xúc cho biết.
Những “cuộc chiến” ngăn chặn tàu giã cào trên biển
Trung tá Nguyễn Vũ Phong - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Sót cho biết, năm 2021 đơn vị đã phát hiện, bắt giữ và phối hợp xử lý 9 vụ/9 phương tiện, nộp ngân sách nhà nước gần 140 triệu đồng. Gần đây tiếp tục phát hiện, xử lý 2 vụ/3 phương tiện, nộp ngân sách nhà nước 80 triệu đồng.
Điển hình nhất là trưa 8/5, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên biển cách bờ khoảng 10 hải lý, Đồn Biên phòng Cửa Sót và Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã phát hiện bắt quả tang 2 tàu cá có hành vi khai thác hải sản bằng lưới kéo giã cào sai vùng biển quy định.
2 tàu cá mang biển kiểm soát QNg 92379 TS và QNg 97379 TS do Trần Bảo Chánh (SN 1984, quê ở huyện Nghĩa An, tỉnh Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng. Đi trên 2 tàu cá còn có 13 lao động, quê ở tỉnh Quảng Ngãi.
“Thời điểm đó khi phát hiện tàu tuần tra của lực lượng Biên phòng, 2 tàu cá định quay đầu, cắt lưới bỏ chạy, nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ chúng tôi đã nhanh chóng áp sát, khống chế tàu cá, lập biên bản hiện trường vụ việc. Cả thuyền trưởng và các lao động trên tàu đều thừa nhận hành vi khai thác sai luồng tuyến, chấp hành xử phạt vi phạm hành chính và cam kết không tổ chức đánh bắt trái quy định của pháp luật”, trung tá Nguyễn Vũ Phong chia sẽ.
Đi sâu tìm hiểu về “cuộc chiến” ngăn chặn tàu giã cào, trung tá Nguyễn Vũ Phong cho biết thêm, tàu giã cào đánh sai luồng tuyến quy định thường diễn ra vào đêm tối hoặc lợi dụng khi không có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát trên biển. Khi phát hiện có lực lượng chức năng, các tàu giã cào công suất lớn nhanh chóng cắt lưới bỏ chạy. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp manh động, liều lĩnh chống trả quyết liệt, thậm chí không hợp tác gây rất nhiều khó khăn trong vây bắt, xử lý vi phạm.
“Để ngăn chặn tàu giã cào đánh bắt sai luồng tuyến, bảo vệ ngư trường, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển. Chủ động xây dựng kế hoạch, phát huy hiệu quả nghiệp vụ công tác, duy trì phối hợp với chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn tàu giã cào giúp nhân dân yêm tâm vươn khơi bám biển. Trung tá Nguyễn Vũ Phong nói.
Hà Tĩnh có 137 km bờ biển kéo dài từ Cửa Hội đến Đèo Ngang. Ngư trường rộng lớn, nguồn lợi thủy sản vụ cá Nam đa dạng, dồi dào nhất trong năm. Theo đó, tình trạng tàu giã cào xuất hiện ngày càng nhiều, trở thành nỗi ám ảnh, bức xúc của ngư dân và gây không ít khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về khai thác, đánh bắt thủy sản.
Ông Nguyễn Tông Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: Nghành thủy sản đang tập trung tuyên truyền ngư dân khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là Luật Thủy sản. Các lực lượng chức năng và 15 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ cũng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý tàu giã cào nhưng vẫn chưa triệt để. Giải pháp chủ yếu vẫn là xua đuổi tàu giã cào khai thác sai luồng tuyến, đồng thời sẽ tổ chức lực lượng đủ mạnh để tiến hành vây bắt, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đấu tranh, ngăn chặn tàu giã cào hoạt động trái phép trên biển dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí là cả những hiểm nguy khó lường, song chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng ở tĩnh Hà Tĩnh đang nỗ lực, quyết tâm ngăn chặn tàu giã cào, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giúp ngư dân yên tâm bám biển, góp phần thúc phát triển kinh tế- xã hội.