Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Tĩnh: Hàng trăm tỷ đồng đầu tư nạo vét cảng Cửa Sót như “muối bỏ bể"

Thế An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho dù mới được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nạo vét, chỉnh trị luồng, nhưng hiện nay tàu cá muốn ra vào cảng hay khu neo đậu tránh trú bão cũng phải chờ thủy triều lên to nếu không sẽ xảy ra mắc cạn và hư hỏng.

Đấy là những bức xúc của ngư dân đang có tàu cá thường xuyên ra vào cảng cá Cửa Sót thuộc địa bàn xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) hàng ngày.
Khu neo đậu tránh, trú bão tại đây hiện tàu cá của ngư đân cũng rất khó ra,vào.

Trong thời gian gần đây, rất nhiều ngư dân có tàu cá ra vào cảng Cửa Sót bức xúc vì việc phải chờ thủy triều, nhiều trường hợp bị hư hỏng do tàu thường xuyên bị mắc cạn. Họ cho rằng, nhà nước đầu tư để nạo vét, chỉnh trị luồng cho cảng và khu neo đậu tránh trú bão mới được nghiệm thu đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng trên thực tế vẫn không hiệu quả trong việc thông luồng với tàu thuyền nơi đây.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhằm khắc phục tình trạng tàu thuyền khó khăn ra vào cảng và phát huy đồng bộ công trình cảng cá Cửa Sót góp phần làm giảm thiểu rủi ro của thiên tai, ngày 26/6/2012, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định 1840/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nạo vét và chỉnh trị luồng vào cảng neo đậu tránh, trú bão Cửa Sót (Xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà - Hà Tĩnh), thuộc dự án “Quản lý thiên tai” (WB5).
Sau quá trình phê duyệt thực hiện, với sự tham mưu của các sở, ngành, đến ngày 12/9/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hanh Quyết định 2633/QĐ-UBND, cho phép điều chỉnh dự án nhằm tối ưu hóa hiệu quả cho tàu thuyền ra vào cảng Cửa Sót, với tổng mức đầu tư trên 141 tỷ đồng và thời gian hoàn thành trước 15/9/2018 tại Quyết định số 425/QĐ-UBND ngày 1/2/2018 của UBND tỉnh.
Dự án được giao cho Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư quản lý thực hiện dự án là Ban QL các dự án ODA ngành NN&PTNT Hà Tĩnh (nay là Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh). Dự án phê duyệt gồm các hạng mục: Nạo vét một số vị trí trên tuyến luồng có tổng chiều chiều dài 3.781m, với cao trình đáy luồng -3.0m, bề rộng mặt cắt ngang từ 30m đến 80m, đảm bảo đủ điều kiện giao thông thủy cho tàu bè ra vào cảng; tuyến kè chắn cát, có chiều dài 600m và Đường cứu hộ, cứu nạn 1.328,53m, nền đường rộng 14m, mặt đường rộng 6m.
Trên thực tế hiện nay, tại cảng Cửa Sót tàu cá có công suất vài chục CV đã không thể lưu thông an toàn khi thủy triêu chưa lớn.
Khi dự án được triển khai thực hiện, ngư dân thường xuyên lưu cảng Cửa Sót rất hồ hởi và kỳ vọng, rằng khi dự án hoàn thành, tàu cá của họ sẽ không còn cảnh phải “tăng bo” cá từ tàu có công suất lớn sang tàu nhỏ hay neo tàu lại nằm chờ thủy triều lên. Thế nhưng, những kỳ vọng đã trở thành nỗi thất vọng của ngư dân nơi đây, khi mà dự án vừa được các cơ quan chức năng liên quan nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng chưa được bao lâu (tháng 6/2018), thì những khó khăn của họ đã lại tiếp diễn như cũ.
Dư luận đang cho rằng, nếu thực hiện nạo vét luồng đúng với thiết kế có cao trình đáy luồng (- 3.0) thì cảng cá và khu neo đậu tránh, trú bão tại cảng Cửa Sót sẽ đảm bảo cho các tàu cá có công suất lên đến 300 CV vào ra an toàn. Trong khi đó trên thực tế hiện nay, tàu cá có công suất vài chục CV đã không thể lưu thông an toàn khi thủy triều chưa lớn.
Ông Trần Xuân Nguyên (xóm Trung Nghĩa, xa Thạch Bằng), chủ tàu cá có công suất 36 CV, thường xuyên ra vào cảng Cửa Sót bức xúc cho biết: "Hiện nay, tàu thường xuyên bị mắc cạn, mới đây do đầy cá nên tôi đã liều cho tàu vào nên mắc cạn và gãy mất chân vịt, phải sửa mất mấy chục triệu, muốn vào dễ dàng ở đây thì chỉ có loại thuyền nhỏ thôi. Ngoài biển chúng tôi có thông tin thường xuyên nên không lo nhưng vào cảng thì rất nguy hiểm, nếu mắc cạn cái là bị dàng đập gãy chân vịt, hư hết đồ đạc nên thường xuyên phải neo tàu chờ thủy triều lên to mới dám vào cảng”.
Ông Bùi Tuấn Sơn - Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh xác nhận: Việc ngư dân phản ánh tàu cá thường xuyên bị mắc cạn trong thời gian qua tại cảng là đúng. Chúng tôi chưa có các phương tiện nghiệp vụ để đo đạc chính xác, khi được các chủ tàu cá phản ảnh thì Ban cũng đã phối hợp với một số đơn vị liên quan đi kiểm tra và dùng sào để ước lượng. Hiện, đã xác định được một số vị trí theo ngư dân phản ánh là chính xác, nhưng không biết có nằm trong vùng hưởng lợi từ dự án vừa qua hay không.

Sự quan tâm đầu tư cho Cửa Sót - một cảng cá sầm uất nhất trên địa bàn Hà Tĩnh là hết sức cấp thiết và kịp thời để ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí được đầu tư lớn như vậy nhưng trên thực tế trong quá trình thực hiện, công trình đã đảm bảo đúng, đủ các tiêu chí cần thiết theo quy phạm hay chưa? Câu hỏi này đang đợi các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh trả lời.