Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Tĩnh: Khẩn trương thực hiện các phương án ứng phó với bão số 8

Phan Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để chủ động ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 8 (bão Kompasu), tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn khẩn trương rà soát, bổ sung các vùng có nguy cơ sạt lở đất để thực hiện các phương án ứng phó.

 Tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương thực hiện các phương án ứng phó với bão số 8. Ảnh BTS
Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 8, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành lệnh cấm biển. Các ngư dân Hà Tĩnh đã chủ động đưa tàu vào vị trí an toàn, người nuôi tôm cá dùng lưới quây quanh ao để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra mưa bão. Hiện, Hà Tĩnh đã có 2.000 tàu thuyền đã di chuyển từ ngoài khơi vào bờ trú bão.
Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh thông báo cấm các tàu thuyền ra khơi; thời gian bắt đầu từ 9 giờ ngày 12/10 và yêu cầu tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tránh trú an toàn theo đúng quy định.
Đồn Biên phòng Đèo Ngang (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) đã huy động 30 cán bộ đến giúp người dân các xã Kỳ Lợi, Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh) chằng chống nhà cửa, đưa thuyền vào nơi tránh trú.
 Bộ đội biên phòng giúp dân chằng, néo tàu thuyền.
Tại huyện Hương Sơn, đây là địa bàn có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao. Trên toàn huyện đã xác định được 20 vùng có nguy cơ sạt lở đất với 437 hộ/1.485 nhân khẩu. Đặc biệt, nguy cơ cao tập trung ở các xã: Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Sơn Hồng, Sơn Lâm, Sơn Giang, Sơn Lễ, Sơn Tiến, Sơn Hàm...
Ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, dự báo bão số 8 có khả năng đổ bộ vào Hà Tĩnh, gây ra mưa lớn, trong khi đất đai vùng đồi núi cũng đã bắt đầu “no nước” do các đợt mưa gần đây nên nguy cơ xẩy ra sạt lở đất trên địa bàn huyện là rất cao. Để chủ động ứng phó, huyện Hương Sơn đã chỉ đạo các địa phương chủ động sơ tán dân kịp thời trước khi có tình huống xấu xẩy ra.
“Tại vùng có nguy cơ sạt lở đất cao, địa phương, đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thời tiết, nhận định đúng tình hình để lên phương án, kế hoạch; phân công cụ thể cán bộ phụ trách từng vùng, từng hộ dân và chuẩn bị lực lượng, phương tiện để tổ chức sơ tán dân khi cần thiết...”, ông Hưng cho biết thêm.
  Lãnh đạo huyện Hương Sơn kiểm tra các vùng có nguy cơ sạt lở trên địa bàn.
Để bảo vệ cây “đặc sản” trước mùa mưa bão đang tới gần, nông dân huyện Hương Sơn đã hoàn thành các công tác giằng néo, chống đỡ cành, bảo vệ quả cho những vườn cam bù.
Tại xã Thạch Hạ và TP Hà Tĩnh, người dân nuôi cá lồng trên sông Hộ Độ đã chuyển cá vào các ao nuôi trong đê, để tránh bị sốc nước khi mưa lớn. Các áo nuôi cá mú, cá vược và tôm thẻ ở xóm Nam Hà, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, người dân cũng chủ động đóng cọc, giăng lưới cao 1m toàn bộ ao để giảm thiểu thiệt hại nếu không may bão vào.
Theo Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, dự báo từ chiều 13/10 đến đêm 15/10, khu vực Hà Tĩnh có mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 200 - 300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt; từ ngày 16/10, khu vực Hà Tĩnh có khả năng tiếp tục xảy ra mưa to đến rất to. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25-30km, đi vào vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ và có khả năng suy yếu dần về cường độ. Đến 4 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.