Hệ lụy từ những sự cố môi trường
Dịp cuối tháng 6/2024 tại gói thầu 11-XL (do Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam- Vinaconex thi công) đoạn qua xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng khiến 2 nữ công nhân thương vong. Tiếp đó, vào đầu tháng 7 cũng tại dự án này người dân xã Gia Hanh, huyện Can Lộc bất ngờ phát hiện nhiều diện tích lúa bị chết do sự cố tràn dầu diesel ra đồng ruộng.
Các sự cố về môi trường tại dự án cao tốc Bãi Vọt- Hàm Nghi đã gây nên những thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, việc khắc phục sự cố, bồi thường thiệt hại, mặc dù đã được Ban Quản lý dự án Thăng Long và các nhà thầu thi công thực hiện. Song vấn đề đặt ra là việc kiểm soát môi trường, phòng ngừa tai nạn lao động phải được chấn chỉnh, khắc phục theo đúng quy định.
Gần đây, một số đoạn tại gói thầu 11-XL nhà thầu thi công đang tập trung đắp cát nền đường. Trên tuyến đoạn qua xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc) có rất nhiều hố nước sâu từ 3-5m sát các trục đường dân sinh nhưng không được lắp đặt hệ thống rào chắn, dây cảnh báo nguy hiểm. Trong khi đó, vào mùa mưa một khối lượng cát đã đắp nền đường có dấu hiệu bị sạt trượt xuống hố sâu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn.
“Mỗi lần đi qua đường dân sinh thôn Phúc Lộc, xã Kim Song Trường đều nơm nớp lo sợ bị rơi xuống hố sâu, đất cát vùi lấp. Vì đường chạy dọc tuyến cao tốc Bãi Vọt- Hàm Nghi không có rào chắn và hệ thống cảnh báo nên rất nguy hiểm. Chúng tôi mong muốn bên cạnh đẩy nhanh tiến độ thi công, thì các nhà thầu cần thực hiện công tác đảm bảo an toàn trên công trường theo quy định”, ông Nguyễn Minh T. ở xã Kim Song Trường phản ánh.
“Sự cố chảy tràn dầu diesel ra đồng ruộng đã gây ảnh hưởng và chết khoảng 1,5 ha lúa của 11 hộ dân gieo cấy ở đồng Cửa Trùa. Về phía Công ty CP Trường Long đã thống nhất bồi thường, hỗ trợ cho người dân 400kg/ 500m2, tương đương 2,4 triệu đồng. Địa phương tiếp tục theo dõi những diện tích ruộng bị nhiễm dầu để có kiến nghị, đề xuất phương án xử lý hiệu quả, phòng ngừa cây lúa bị chết trong những vụ sản xuất tiếp theo”, ông Phan Văn Cường- Chủ tịch UBND xã Gia Hanh cho biết.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thảm hoạ về môi trường, ATGT
Công tác kiểm soát môi trường, phòng ngừa sự cố sạt lở đất, ô nhiễm môi trường phát sinh là yêu cầu bắt buộc trong thi công các công trình, dự án nói chung, dự án cao tốc Bãi Vọt- Hàm Nghi nói riêng. Tuy nhiên, thực tế sau khi sự cố môi trường xảy ra các bên liên quan chỉ vào cuộc bồi thường, coi đây là sự việc rủi ro.
Bởi vậy, việc thi công dự án vẫn gấp rút triển khai trong khi có nhiều tồn tại, bất cập chưa được khắc phục và kể cả những ẩn họa khó lường khi mùa mưa lũ đến. Sự chủ quan, lơ là của chủ đầu tư và các đơn vị thi công cùng với những “ưu ái” nhất định của các cấp quản lý cho dự án trọng điểm quốc gia khiến cho công tác kiểm soát môi trường, phòng ngừa nguy cơ mất ATGT không được quan tâm, thực hiện đúng quy định.
Tại nhiều tuyến đường vùng dự án cao tốc Bãi Vọt- Hàm Nghi được cho là để chủ đầu tư và các doanh nghiệp mượn làm đường công vụ thường xuyên xuất hiện hàng loạt xe tải cỡ lớn có dấu hiện cơi nới thành thùng, chở quá tải trọng lưu thông ồ ạt. Mặt đường bị băm nát, cày xới nham nhở, mùa nắng bụi bay mù mịt, những lúc mưa gió đường lầy lội, nhão nhoét, bùn đất vương vãi khắp nơi gây mất an toàn cho người và phương tiện qua lại.
“Thi công dự án cao tốc Bãi Vọt- Hàm Nghi, các bên liên quan đều đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những sự cố sạt lở đất, ô nhiễm dầu trên đồng ruộng, hoặc bùn đất, bụi bặm…xảy ra đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp kiểm tra và có phương án chấn chỉnh, khắc phục kịp thời”, ông Trần Đình Việt- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Can Lộc thông tin.
Chủ động kiểm soát, phòng ngừa sạt lở đất, ô nhiễm môi trường trong thi công dự án cao tốc Bãi Vọt- Hàm Nghi là việc làm quan trọng. Vì vậy, bên cạnh tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thì chủ đầu tư và các bên liên quan cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn các phương án đảm bảo môi trường, phòng ngừa thiệt hại, không để xảy ra tình trạng “mất bò, mới lo làm chuồng”.