Hà Tĩnh: Nhiều hồ đập tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dưới tác động của thiên tai cùng thời gian khai thác, sử dụng lâu năm khiến nhiều công trình hồ đập ở tỉnh Hà Tĩnh bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Video: Đập Trạng ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng

Đập Trạng ở xã Hương Thủy (huyện Hương Khê) có dung tích 1,2 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho khoảng 60ha đất sản xuất nông nghiệp. Sau hàng chục năm khai thác, sử dụng, công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ và tích nước phục vụ sản xuất.

Mang tràn xả lũ đập Trạng bị xói lộng nhiều vị trí.
Mang tràn xả lũ đập Trạng bị xói lộng nhiều vị trí.
Lưu lượng chảy khoảng 15 lít/s.
Lưu lượng chảy khoảng 15 lít/s.

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Hữu Trình - Phó Trạm trưởng Trạm Đá Hàn, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, hai bên mang tràn xả lũ đập Trạng bị nước xói lộng, lưu lượng chảy khoảng 15 lít/s; nước thấm qua thân đập dài 60m, rộng từ 2 - 3m (chiều rộng mái đập đến rãnh thoát nước), lưu lượng thấm 3,5 lít/s.

“Mang tràn xả lũ và thân đập Trạng bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, đơn vị phải thường xuyên cắt cử người theo dõi, chủ động khai thác, vận hành và phòng ngừa, ứng phó sự cố vỡ đập có thể xẩy ra, nhất là trong mùa mưa lũ” - ông Đinh Hữu Trình thông tin.

Hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp vừa không đảm bảo tích nước phục vụ sản suất, vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao đối với Nhân dân sống ở vùng hạ du. Bởi trong mùa mưa lũ sự cố vỡ đập thường xẩy ra bất ngờ, gây hậu quả nghiêm trọng, khó lường.

Nhà ở sát đập Trạng, bà Nguyễn Thị Phong (xã Hương Thủy, huyện Hương Khê) cho biết, những đợt xẩy ra mưa lớn kéo dài gia đình bà phải nhanh chóng sơ tán đến nhà người thân để đảm bảo an toàn tính mạng. Bởi những rủi ro do thiên tai, bão lũ hoặc các sự cố vỡ đập đã được các cấp có thẩm quyền cảnh báo từ trước.

Nước thấm qua thân đập Trạng dài 60m, mái đập rộng từ 2 - 3m, lưu lượng thấm 3,5 lít/s.
Nước thấm qua thân đập Trạng dài 60m, mái đập rộng từ 2 - 3m, lưu lượng thấm 3,5 lít/s.

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 348 hồ chứa, với tổng dung tích trên 1,57 tỷ m3 nước, có 86 đập dâng với lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/s. Hàng năm các công trình hồ chứa cung cấp nước tưới cho trên 62.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và nhiều ngành kinh tế khác.

Qua kiểm tra, đánh giá hiện trạng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, đến nay toàn tỉnh có 86 hồ đập bị thấm, trong đó có 15 công trình bị thấm nặng; 108 hồ đập bị biến dạng mái đập, sạt trượt mái thượng lưu, hạ lưu; 7 công trình bị nứt ngang thân đập. Ngoài ra, nhiều hồ đập xẩy ra hiện tượng sạt lở, hư hỏng tràn xả lũ, bể tiêu năng, cống lấy nước.

Nhiều hồ đập ở tỉnh Hà Tĩnh bị xói lở, sạt trượt do thiên tai, bão lũ.
Nhiều hồ đập ở tỉnh Hà Tĩnh bị xói lở, sạt trượt do thiên tai, bão lũ.

Các hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi như: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh… Nguyên nhân được xác định là do thời gian khai thác, sử dụng đã lâu, lưu vực nước so với hồ chứa không cân bằng, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ khiến cho các hạng mục bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng.

Trao đổi với phóng viên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh Trần Đức Thịnh cho biết, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý an toàn hồ đập. Tăng cường kiểm tra, rà soát hiện trạng các công trình, nhất là những hồ chứa nước xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao; chủ động khai thác, vận hành và triển khai các phương án ứng phó, bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn cho công trình thủy lợi và người dân trong mùa mưa lũ.