Hà Tĩnh: Quản lý khai thác khoáng sản "lộ' nhiều hạn chế

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khai thác khoáng sản ở tỉnh Hà Tĩnh diễn ra rầm rộ, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng ở mọi lúc, mọi nơi. Vậy nhưng, công tác quản lý nhà nước còn bộc lộ nhiều hạn chế, tạo kẻ hở cho các doanh nghiệp vi phạm trong khai thác.

Video: Khai thác khoáng sản ở tỉnh Hà Tĩnh có dấu hiệu buông lỏng quản lý

Mỏ đá “hành dân”

Mỏ đá Khe Khổ của Công ty cổ phần Huy Hoàng ở xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) sản lượng khai thác khoảng 105.000m3 /năm. Tuy nhiên, hoạt động khai thác ở đây có dấu hiệu không đảm bảo quy trình, mất an toàn lao động, vệ sinh môi trường và gây nên nhiều hệ lụy khác.

Mỏ đá Khe Khổ của Công ty cổ phần Huy Hoàng vách đá dựng đứng, cheo leo, cao hàng chục mét
Mỏ đá Khe Khổ của Công ty cổ phần Huy Hoàng vách đá dựng đứng, cheo leo, cao hàng chục mét

Tại hiện trường, đơn vị khai thác gần như không mở vỉa, cắt tầng đúng quy định, khu vực mỏ là những vách đá dựng đứng cao hàng chục mét. Sườn tầng cheo leo bên những hố sâu thăm thẳm, nguy cơ sạt lở, đá rơi, gây tai nạn rủi ro có thể xẩy bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão.

Khai thác đá không mở vỉa, cắt tầng đúng thiết kế, nhiều vị trí có dấu hiệu bị sạt lở, nguy cơ tai nạn rủi ro luôn tiềm ẩn
Khai thác đá không mở vỉa, cắt tầng đúng thiết kế, nhiều vị trí có dấu hiệu bị sạt lở, nguy cơ tai nạn rủi ro luôn tiềm ẩn

Khai thác mỏ không đúng quy trình, máy móc nghiền sàng thường xuyên hoạt động hết công suất, bụi đá bay mù mịt vào khu dân cư. Tuy nhiên, điều nghịch lý là đơn vị khai thác không hề trồng cây xanh xung quanh mỏ và thực hiện các giải pháp để có thể giảm bớt tiếng ồn, bụi đá, gây bức xúc trong dư luận suốt thời gian dài.

Nhiều người dân ở xã Vượng Lộc, bức xúc phản ánh, mỏ đá Khe Khổ của Công ty cổ phần Huy Hoàng bụi bay mù mịt, dân phải đóng cửa suốt ngày, lau chùi nhà thường xuyên, máy nghiền sàng đá gây tiếng ồn rất khó chịu. Xe chở đá chạy quá nhiều, đường hư hỏng nghiêm trọng, người dân phải lập sào chắn, ngăn chặn không cho xe chạy trong đêm.

Người dân xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc phải lập sào chắn, ngăn chặn xe chở vật liệu xây dựng chạy ồ ạt suốt ngày đêm
Người dân xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc phải lập sào chắn, ngăn chặn xe chở vật liệu xây dựng chạy ồ ạt suốt ngày đêm

Tại buổi làm việc với phóng viên, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Huy Hoàng Nguyễn Hồng Phong thừa nhận, khai thác đá tại mỏ Khe Khổ chưa đảm bảo quy trình, chưa đúng các thông số khai thác về chiều cao tầng, góc dốc sườn tầng. Hiện tượng đá sạt trượt còn diễn ra tại nhiều vị trí, các giải pháp giảm bụi đá, tiếng ồn chưa được thực hiện theo quy định.

“Công ty chúng tôi cũng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính do khai thác không cắt tầng, không đúng thiết kế hệ thống khai thác. Làm nghề khai thác đá không thể hoàn thiện được, khai thác sai thì phải cố gắng khắc phục thôi” - ông Nguyễn Hồng Phong chia sẻ.

Xử lý vi phạm “giơ cao, đánh khẽ”

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 82 mỏ vật liệu xây dựng (mỏ đá, đất, cát sỏi..) được cấp giấy phép hoạt động, trong đó mỏ đá chiếm khoảng 60%. Thời kỳ cao điểm của mùa xây dựng hầu hết các mỏ khoáng sản đều hoạt động hết công suất, khu vực mỏ xe tải nườm nượp vào ra. Vì vậy, tại các khu dân cư vùng mỏ đều phải hứng chịu ô nhiễm bụi từ đất đá, cát sỏi và nhiều nhiều tuyến đường bị xe tải cày xới, băm nát, gây mất an toàn giao thông và khó khăn trong đi lại, lao động sản xuất của Nhân dân.

Khu dân cư thôn Làng Mới xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc thường xuyên hứng chịu khói bụi, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Khu dân cư thôn Làng Mới xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc thường xuyên hứng chịu khói bụi, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Vượng Lộc Nguyễn Minh Vỵ cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cùng chính quyền địa phương đã nhiều lần về làm việc, chấn chỉnh hoạt động khai thác tại đá trên địa bàn, trong đó có mỏ đá Khe Khổ của Công ty cổ phần Huy Hoàng.

“Mùa mưa này bụi có đỡ hơn, còn mùa nắng bụi quá nhiều, xe chạy phá nát đường, đá rơi khắp nơi. Qua các buổi làm việc chúng tôi đề nghị Công ty cổ phần Huy Hoàng chấn chỉnh, khắc phục vi phạm về môi trường, nhưng không hiệu quả. Còn vấn đề người dân thôn Làng Mới lập sào chắn trên đường vào mỏ đá chủ yếu là để ngăn chặn xe chạy trong đêm khuya, hoặc những lúc xe chở đá chạy quá nhiều, bụi bặm, ô nhiễm môi trường” - ông Nguyễn Minh Vỵ cho biết thêm.

Hầu hết các tuyến đường giao thông ở vùng mỏ đều bị xe tải chở vật liệu xây dựng cày xới, băm nát
Hầu hết các tuyến đường giao thông ở vùng mỏ đều bị xe tải chở vật liệu xây dựng cày xới, băm nát

Người dân khổ sở vì sống gần mỏ đá, còn chính quyền địa phương cũng không thể có giải pháp kiểm soát khả thi hơn. Bởi thực tế, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản gần như chỉ chú trọng lợi ích kinh tế, mà không mấy quan tâm đến quy trình khai thác và những tác động bất lợi đến môi trường. Rốt cuộc, các mỏ khai thác khoáng sản vẫn cứ hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm, phớt lờ những quy định bắt buộc trước sự dễ dãi về công tác quản lý nhà nước của các cấp có thẩm quyền.

Đá vương vãi khắp các tuyến đường, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của Nhân dân.
Đá vương vãi khắp các tuyến đường, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của Nhân dân.

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho biết, qua kiểm tra thì hầu hết các mỏ khai thác không đúng chiều cao tầng, góc dốc sườn tầng. Đợt vừa rồi Thanh tra Sở và các bên liên quan cũng đã xử phạt 6 doanh nghiệp khai thác không đúng thiết kế, khai thác vượt công suất cho phép, không đảm bảo an toàn lao động và gây ô nhiễm môi trường.

Xử phạt các doanh nghiệp vi phạm được cho là động thái tích cực của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cùng các sở, ngành liên quan, góp phần chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì đó mới chỉ là mặt nổi của tảng băng chìm, bởi hầu hết các mỏ khai thác khoáng sản sau khi phát hiện, xử lý nhưng vẫn chưa triệt để.

Dư luận ở những vùng khai thác mỏ cho rằng, việc xử phạt vi phạm hành chính của các cấp có thẩm quyền chỉ mới “giơ cao, đánh khẽ”, chưa đủ sức thuyết phục, răn đe, dẫn đến nhiều doanh nghiệp mặc dù đã bị xử phạt nhưng sau đó tiếp tục vi phạm. Đó là chưa kể đến có không ít doanh nghiệp được cho là đang khai thác vượt công suất, trữ lượng, khai thác ngoài phạm vi mỏ nhưng lại có dấu hiệu được các cấp có thẩm quyền bao che, không xử lý.

Hầu hết các doanh nghiệp chỉ chú trọng lợi ích kinh thế, phớt lờ các quy định trong khai thác khoáng sản
Hầu hết các doanh nghiệp chỉ chú trọng lợi ích kinh thế, phớt lờ các quy định trong khai thác khoáng sản

Hà Tĩnh đang thu hút mạnh mẽ nhiều công trình, dự án đầu tư quy mô lớn, nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao. Vì vậy, để phòng ngừa thất thoát tài nguyên thiên nhiên và những tác động tiêu cực đến môi trường, các cấp có thẩm quyền cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần