Hà Tĩnh: Quyết liệt gỡ bẫy thú rừng

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa mưa, người dân thường lén vào rừng sâu săn bắt, bẫy thú quý hiếm để mưu sinh. Trước tình hình đó, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (tỉnh Hà Tĩnh) tập trung quyết liệt gỡ bẫy thú rừng, bảo tồn động vật hoang dã.

Hàng trăm bẫy thú các loại đã được Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ phát hiện, tháo gỡ kịp thời
Hàng trăm bẫy thú các loại đã được Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ phát hiện, tháo gỡ kịp thời

Vùng thượng nguồn hồ Kẻ Gỗ hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng, các loài thú quý hiếm thường di chuyển tìm kiếm thức ăn vào mùa mưa. Nắm bắt quy luật xuất hiện của thú rừng, một bộ phận người dân đã lén lút vào tận rừng sâu thuộc lâm phận của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ để săn bắt, đánh bẫy.

Lực lượng tuần tra của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ phát hiện, tháo gỡ bẫy thú trong rừng sâu
Lực lượng tuần tra của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ phát hiện, tháo gỡ bẫy thú trong rừng sâu
Khu rừng đặc dụng giáp ranh với huyện Hương Khê và tỉnh Quảng Bình là nơi người dân lén lút đặc bẫy  thú với số lượng lớn
Khu rừng đặc dụng giáp ranh với huyện Hương Khê và tỉnh Quảng Bình là nơi người dân lén lút đặc bẫy  thú với số lượng lớn

Qua tìm hiểu được biết, các loại bẫy mà người dân thường sử dụng chủ yếu là bẫy dây rút (được làm bằng dây cáp) và bẫy kẹp để đánh bắt lợn rừng, mang, chồn, cheo; bẫy dây dù được dùng để đánh bắt gà rừng, chim muông và các loài thú nhỏ. Khu vực đặt bẫy thường ở vùng rừng sâu giáp ranh giữa huyện Cẩm Xuyên với huyện Hương Khê, huyện Kỳ Anh với tỉnh Quảng Bình.

“Săn bắt, bẫy thú rừng không còn công khai và nhiều như trước đây. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vào rừng sâu vẫn bắt gặp bẫy thú. Riêng trong mùa mưa này, tôi đã chặt bỏ, tháo gỡ được trên 20 bẫy các loại để giao nộp cho các cơ quan chức năng”, ông Nguyễn Văn Toản ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên cho biết.

Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ tăng cường tuần tra, gỡ bẫy thú  trong rừng sâu
Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ tăng cường tuần tra, gỡ bẫy thú  trong rừng sâu

Nghề bẫy thú rừng tuy mang lại lợi ích kinh tế cho một bộ phận người dân sống gần rừng, nhưng lại ảnh hưởng không hề nhỏ đến công tác bảo tồn động vật hoang dã, gây nhiều hệ lụy đến môi sinh, môi trường, thậm chí mất an ninh trật tự. Do vậy, gần đây các địa phương vùng rừng núi đã có nhiều biện pháp phối hợp ngăn chặn, phòng ngừa săn bắt, bẫy thú.

“Tình trạng người dân lén lút vào rừng sâu săn bắt, bẫy thú vẫn còn diễn ra, chưa được ngăn chặn triệt để. Địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chủ rừng đẩy mạnh tuyên truyền, ký cam kết với người dân không vào rừng săn bắt, bẫy thú quý hiếm. Cùng với đó sẽ có các biện pháp mạnh để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm”, ông Lê Văn Lãm- Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh cho biết.

Hàng trăm bẫy dây rút (được làm bằng dây cáp) vừa được phát hiện, tháo gỡ tại lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ
Hàng trăm bẫy dây rút (được làm bằng dây cáp) vừa được phát hiện, tháo gỡ tại lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, đơn vị hiện quản lý  hơn 44.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó rừng đặc dụng khoảng 22.000 ha. Trong rừng có nhiều loài thú quý hiếm như: lợn rừng, mang, khỉ, tê tê, gà rừng, các loài chim… Hệ động vật phong phú và thói quen “sống gần rừng, phải dựa vào rừng” nên một bộ phận người dân vẫn lén lút vào rừng săn bắt, bẫy thú trong mùa mưa.

Tại buổi làm việc với phóng viên, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ Nguyễn Phi Công cho biết, mặc dù đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, quyết liệt ngăn chặn, nhưng tình trạng săn bắt, bẫy thú rừng vẫn diễn ra. Nguyên nhân chủ yếu vì lợi ích kinh tế và thói quen của người dân sống gần rừng. Qua các đợt tuần tra, kiểm soát, chúng tôi đã phát hiện, tháo gỡ hàng trăm bẫy thú các loại.

“Địa hình rừng núi, khe suối hiểm trở, lực lượng mỏng nên việc kiểm soát, tháo gỡ bẫy thú rừng vào mùa mưa vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường tuần tra, theo dõi, nắm tình hình, phối hợp với chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng tập trung tháo gỡ bẫy thú trái phép, góp phần bảo vệ các loài thú sinh trưởng, phát triển ổn định”, ông Nguyễn Phi Công thông tin.

Bẫy kẹp dùng để săn bắt lợn rừng, mang và các loài thú móng guốc
Bẫy kẹp dùng để săn bắt lợn rừng, mang và các loài thú móng guốc
Hàng trăm bẫy thú tại lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ được tháo gỡ kịp thời trong mùa mưa, góp phần bảo vệ các loài thú sinh trưởng, phát triển ổn định
Hàng trăm bẫy thú tại lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ được tháo gỡ kịp thời trong mùa mưa, góp phần bảo vệ các loài thú sinh trưởng, phát triển ổn định

Mùa mưa, trong lâm phận Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ muôn loài thú quý hiếm vẫn nhởn nhơ tìm kiếm thức ăn và cất lên những âm thanh thân thuộc. Nghề săn bắt, bẫy thú quý hiếm sẽ không tồn tại, nếu chủ rừng và các lực lượng chức năng tiếp tục quyết liệt ngăn chặn, đặc biệt là người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học, không lén lút vào rừng bẫy thú.