Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ có diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 44.000 ha, hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loài thú quý hiếm. Mùa mưa là thời điểm các loài thú di chuyển tìm kiếm thức ăn, vì vậy hoạt động săn bắt, đánh bẫy thường lén lút diễn ra ở những vùng rừng sâu, rừng giáp ranh với tỉnh Quảng Bình.
Các loại bẫy mà người dân sử dụng chủ yếu là bẫy dây rút (được làm bằng dây cáp) và bẫy kẹp để đánh bắt lợn rừng, mang, chồn, cheo; bẫy dây dù được dùng để đánh bắt gà rừng, chim muông và các loài thú nhỏ. Hành vi săn bắt, đánh bẫy tuy mang lại lợi ích kinh tế cho một bộ phận người dân, nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây tuyệt chủng các loài thú quý hiếm.
“Hiện nay, việc săn bắt, bẫy thú rừng không còn công khai như trước đây, nhưng thỉnh thoảng vào rừng sâu vẫn gặp bẫy thú. Các loại bẫy được làm rất tinh vi trong rừng rậm, bên khe suối, quan sát kỹ mới có thể phát hiện. Mỗi lần gặp bẫy thú tôi thường tự tay gỡ bỏ, tiêu hủy, hoặc trình báo với lực lượng chức năng xử lý”, ông Nguyễn Xuân H. ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh cho biết.
Qua tìm hiểu được biết, trước đây tại vùng rừng núi ở huyện Cẩm Xuyên, vùng thượng huyện Kỳ Anh, vùng rừng giáp ranh huyện Hương Khê (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ)…tình trạng săn bắt, bẫy thú rừng diễn ra khá nhiều. Tuy nhiên, gần đây nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh ngăn chặn nên số người dân hành nghề bẫy thú rừng đã giảm, chỉ diễn ra lén lút ở một số nơi.
“Trước mùa mưa, địa phương đã phối hợp chủ rừng tổ chức ký cam kết với người dân không vào rừng săn bắt, bẫy thú. Qua theo dõi, hành vi săn bắt, bẫy thú rừng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và có các biện pháp phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm”, ông Vũ Trung Tiến- Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh cho biết.
Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, trong lâm phận của đơn vị quản lý có nhiều loài thú quý như: lợn rừng, mang, chồn, khỉ, tê tê, gà rừng, các loài chim… Hệ động vật phong phú và thói quen “sống gần rừng, phải dựa vào rừng” nên một bộ phận người dân vẫn lén lút vào rừng săn bắt, bẫy thú trong mùa mưa.
“Tình trạng lén lút săn bắt, bẫy thú rừng vẫn diễn ra. Nguyên nhân vì lợi ích kinh tế, hành vi buôn bán, tiêu thụ chưa được ngăn chặn triệt để. Qua các đợt tuần tra, chúng tôi đã phát hiện, tháo gỡ nhiều bẫy thú các loại. Thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp và lực lượng chức năng tập trung tháo gỡ bẫy thú trái phép, góp phần bảo vệ các loài thú sinh trưởng, phát triển ổn định”, ông Nguyễn Phi Công- Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ thông tin.